>

Bệnh bạch hầu: Dấu hiệu và cách phòng tránh

16:05 21/08/2020

Bệnh bạch hầu là một bệnh nhiễm trùng nhiễm độc do vi khuẩn gây ra, chủ yếu ảnh hưởng đến mũi và cổ họng. Trong đó, trẻ em dưới 5 tuổi và người lớn trên 60 tuổi đặc biệt có nguy cơ bị nhiễm bệnh cao. Vậy bệnh bạch hầu có những biểu hiện gì? Mức độ nguy hiểm của bệnh bạch hầu ra sao? Cách nào để phòng tránh và bảo vệ gia đình khỏi nguy cơ lây nhiễm? Cùng tìm hiểu với Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu ngay:

1. Bệnh bạch hầu là gì?

Bệnh bạch hầu - diphtheria là một bệnh nhiễm trùng vi khuẩn nghiêm trọng ảnh hưởng đến màng nhầy của cổ họng và mũi. Các tổn thương của bệnh chủ yếu là do ngoại độc tố của vi khuẩn bạch hầu (Corynebacterium diphtheriae) gây ra.

Bệnh bạch hầu gây nhiễm khuẩn cấp tính có giả mạc ở tuyến hạnh nhân, hầu họng, thanh quản, mũi. Bệnh bạch hầu xuất hiện ở da, các màng niêm mạc như kết mạc mắt hoặc bộ phận sinh dục. Mặc dù dễ lây lan từ người này sang người khác, nhưng bệnh bạch hầu có thể được ngăn ngừa thông qua việc sử dụng vắc-xin.

2. Biểu hiện của bệnh bạch hầu

Trong giai đoạn đầu, bệnh bạch hầu có thể bị nhầm lẫn với những đợt cảm lạnh thông thường với các biểu hiện như viêm họng, viêm amidan, viêm thanh quản và có thể biểu hiện như một bệnh nhiễm trùng da. Các dấu hiệu bệnh bạch hầu thường bắt đầu từ 2 - 5 ngày sau khi một người bị nhiễm bệnh, bao gồm:

- Sốt nhẹ
- Đau họng, ho, khàn tiếng
- Chán ăn
- Sau 2-3 ngày xuất hiện giả mạc có màu trắng ngà, xám hoặc đen trong cổ họng
- Giả mạc dai, dính, dễ chảy máu
- Khó thở, khó nuốt
- Bệnh nặng không có biểu hiện sốt cao nhưng có dấu hiệu cổ sưng to, khó thở, rối loạn nhịp tim, liệt

Bệnh bạch hầu là gì?

3. Vì sao bệnh bạch hầu nguy hiểm?

Đây là một bệnh vừa nhiễm độc vừa nhiễm trùng. Người bị bệnh bạch hầu thường có tình trạng nhiễm độc, nhiễm trùng nặng. Độc tố bạch hầu gây viêm cơ tim, liệt cơ dẫn đến nguy cơ tử vong trong vòng 6 ngày. Theo ghi nhận, tỷ lệ tử vong là 5% – 10%, con số này được ghi nhận cao gấp 3 lần tỷ lệ tử vong do Covid-19 gây ra.

Hiện nay, đã có thuốc điều trị bệnh bạch hầu. Tuy nhiên trong giai đoạn tiến triển, bệnh bạch hầu có thể gây hại cho hệ thần kinh, thận và tim của người bệnh. Ngay cả khi điều trị, tỷ lệ tử vong của bệnh có thể lên đến 3%. Ở trẻ em dưới 15 tuổi, tỷ lệ này còn cao hơn.

Ở một số người, nhiễm vi khuẩn gây bệnh bạch hầu chỉ gây ra bệnh nhẹ hoặc không có dấu hiệu, triệu chứng rõ ràng. Điều này đặc biệt nguy hiểm khi khiến dịch lây lan âm thầm trong cộng đồng, rất khó khoanh vùng và kiểm soát.

4. Bệnh bạch hầu lây lan như thế nào?

Vi khuẩn bạch hầu có tốc độ lây lan rất nhanh, chủ yếu là qua đường hô hấp. Bệnh có thể xâm nhập qua da, gây ra bạch hầu da. Có 2 cách lây truyền của bệnh bạch cầu:

- Lây truyền trực tiếp qua đường hô hấp từ người sang người
- Lây truyền gián tiếp khi tiếp xúc với vật dụng có dính chất bài tiết của người bị nhiễm vi khuẩn bạch hầu. Sau khoảng 2 tuần nhiễm vi khuẩn, bệnh nhân đã có thể lây nhiễm cho người khác.

5. Để hạn chế lây nhiễm bệnh bạch hầu cần làm gì?

- Tiêm chủng vắc xin phòng bệnh bạch hầu đầy đủ và đúng lịch
- Thường xuyên rửa tay bằng xà phòng; che miệng khi ho hoặc hắt hơi; giữ vệ sinh thân thể, mũi, họng hàng ngày; hạn chế tiếp xúc với người mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh.
- Đảm bảo nhà ở, nhà trẻ, lớp học thông thoáng, sạch sẽ và có đủ ánh sáng.
- Khi có dấu hiệu mắc bệnh hoặc nghi ngờ mắc bệnh bạch hầu phải được cách ly và đưa đến cơ sở y tế để được khám, điều trị kịp thời.
- Người dân trong ổ dịch cần thực hiện nghiêm túc việc uống thuốc phòng và tiêm vắc xin phòng bệnh theo chỉ định và yêu cầu của cơ quan y tế

Trên đây là những chia sẻ hữu ích về bệnh bạch hầu đến quý bạn đọc, cùng theo dõi những bài viết tiếp theo để không bỏ lỡ những thông tin bổ ích khác nhé!




Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn