>

Đái tháo đường thai kỳ: Triệu chứng và phòng ngừa như thế nào?

17:25 28/06/2020
Theo thống kê có khoảng gần 5% bà mẹ mang thai mắc bệnh đái tháo đường (ĐTĐ). ĐTĐ thai kỳ thường không có biểu hiện rõ ràng, nhưng nếu không được kiểm soát tốt, ĐTĐ thai kỳ sẽ gây những biến chứng nguy hiểm cho cả mẹ và thai nhi. Bài viết hôm nay, Bệnh viện Thanh Vũ Bạc Liêu sẽ mang đến cho bạn những thông tin cụ thể hơn về vấn đề này nhé !

Đái tháo đường thai kỳ là bệnh gì?

ĐTĐ thai kỳ là tình trạng rối loạn dung nạp glucose ở bất kỳ mức độ nào, được phát hiện trong thời kỳ mang thai. ĐTĐ thai kỳ chính là một thể bệnh của đái thái đường, chỉ xuất hiện và tồn tại trong thời gian người phụ nữ mang thai (khởi phát trong khi có thai và tự khỏi sau khi sinh). Nếu trong vòng 6 tuần sau khi sinh, người mẹ ĐTĐ thai kỳ chưa khỏi bệnh thì lúc này không được chẩn đoán là đái tháo đường thai kỳ nữa mà thuộc thể bệnh ĐTĐ týp 1, týp 2, ĐTĐ do dinh dưỡng hoặc ĐTĐ triệu chứng. Khi mang thai, một số hormon như cortisol, estrogen, lactogen… tăng lên, làm giảm hoạt động của insulin. Tình trạng này gọi là kháng insulin. Đôi khi, tuyến tụy phải sản sinh lượng insulin tăng gấp 3 lần so với trước khi mang thai để chống lại hiện tượng này. Trong trường hợp tuyến tụy không sản xuất đủ insulin, lượng glucose trong máu sẽ không thể chuyển hóa thành năng lượng cho tế bào. Đây chính là nguyên nhân gây ra bệnh ĐTĐ thai kỳ.
ĐTĐ thai kỳ có thể gây sẩy thai, thai chết lưu không rõ nguyên nhân, dị tật bẩm sinh, bất thường sự tăng trưởng thai nhi trong tử cung, tử vong chu sinh, biến chứng ở trẻ sơ sinh…

Nhóm thai phụ có nguy cơ mắc ĐTĐ thai kỳ cao

Thai phụ có nguy cơ mắc ĐTĐ cao nếu: thừa cân (chỉ số cơ thể BMI vượt quá 30); từng bị ĐTĐ trong lần mang thai trước; có đường trong nước tiểu; gia đình có tiền sử bệnh ĐTĐ; từng sinh con thừa cân (quá 4kg); bị thai lưu không rõ nguyên nhân; từng sinh con dị tật; người mẹ bị tăng huyết áp hoặc mang thai khi đã trên 35 tuổi.

Một số triệu chứng của ĐTĐ thai kỳ

Thai phụ có thể không biết bị ĐTĐ cho đến khi kiểm tra nước tiểu và lượng đường. Nhiều trường hợp có những triệu chứng tương tự như sau khi bị bệnh ĐTĐ týp 1 hoặc týp 2: thường xuyên khát nước; thức giấc giữa đêm để uống nước thật nhiều; đi tiểu nhiều và có nhu cầu nhiều lần hơn so với nhu cầu của các phụ nữ mang thai bình thường khác; vùng kín bị nhiễm nấm và không thể làm vệ sinh sạch sẽ bằng các dung dịch chống khuẩn thông thường; các vết thương, trầy xước hoặc vết đau khó lành; sụt cân nặng và mệt mỏi, thiếu năng lượng và kiệt sức.

Các cách để phòng tránh ĐTĐ thai kỳ

  • Giữ đường huyết ổn định: Cách tốt nhất để phòng ngừa đái tháo đường thai kỳ là giữ lượng đường trong máu ở mức cân bằng, tránh nguy cơ tăng đường huyết trong giai đoạn mang thai. Bước đầu tiên để ngăn chặn đái tháo đường thai kỳ là cần tìm hiểu về các yếu tố nguy cơ phát triển bệnh như tình trạng béo phì, có tiền sử bị bệnh ở lần mang thai trước, có người trong gia đình mắc bệnh đái tháo đường…
  • Giữ thói quen vận động: Tập thể dục trước và trong khi mang thai có thể giúp bảo vệ chống lại việc phát triển bệnh đái tháo đường thai kỳ. Ăn các thực phẩm lành mạnh. Chọn thực phẩm đa dạng với nhiều chất xơ, ít chất béo và calo. Ăn nhiều trái cây, rau và ngũ cốc.
  • Giảm cân hợp lý trước khi mang thai chứ không nên giảm cân trong thời kỳ mang thai vì cơ thể phải làm việc nhiều để hỗ trợ sự phát triển của thai nhi.
  • Khi có thai cần đi khám thai đúng lịch, tuân thủ chỉ định của bác sĩ và thường xuyên kiểm tra đường máu để có thể có các biện pháp can thiệp kịp thời.

Xem thêm : Nguyên nhân và triệu chứng của bệnh thiếu máu?

Với những thông tin trên, hi vọng các mẹ bầu có thể có thêm những kiến thức cần thiết để chăm sóc thai kì một cách an toàn nhất. Để được tư vấn cụ thể hơn, vui lòng liên hệ trực tiếp với bệnh viện Thanh Vũ Bạc Liêu ngay nhé !




Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn