>

Dịch cúm mùa và những điều bạn nên biết (P2)

15:01 20/02/2020

Bệnh cúm là một bệnh truyền nhiễm virus cúm tấn công hệ hô hấp của người bệnh - mũi, cổ họng và phổi. Đối với hầu hết mọi người, cúm sẽ tự khỏi. Nhưng đôi khi, cúm và các biến chứng của nó có thể gây tử vong ở những đối tượng có nguy cơ cao bị biến chứng cúm.

Điều trị bệnh cúm như thế nào?

Cúm thông thường là bệnh lành tính và thường tự khỏi sau 5-7 ngày, không có thuốc điều trị bệnh cúm đặc hiệu nhưng người bệnh có thể điều trị triệu chứng của bệnh bằng một số loại thuốc theo chỉ dẫn của bác sĩ:

- Để giảm triệu chứng sốt, đau đầu, đau họng có thể dùng thuốc Paracetamol (tên gọi khác là Acetaminophen).
- Các nhóm thuốc co mạch như Naphazolin, oxymetazoline, xylometazoline được dùng dưới dạng thuốc nhỏ mũi giúp giảm tình trạng nghẹt mũi ở người bệnh cúm. Tuy nhiên, thuốc có nhiều nồng độ khác nhau, mỗi loại thuốc có một giới hạn về độ tuổi sử dụng, tham khảo ý kiến của nhân viên y tế để lựa chọn loại thuốc thích hợp.
- Nếu người bệnh có triệu chứng ho nhẹ, không đáng kể thì không cần dùng thuốc vì ho là một phản ứng tốt của cơ thể, giúp tống các dị vật ở đường thở ra ngoài. Nếu ho khan có thể dùng Dextromethophan, codein, nếu ho khan kèm ngạt mũi sổ mũi có thể dùng các thuốc phối hợp như Atussin, Decolsin, Rhumenol,...
- Nếu các triệu chứng của cảm cúm kéo dài hơn một tuần, bệnh nhân sốt cao kéo dài, sử dụng các thuốc hạ sốt thông thường không đỡ, ho nhiều, tức ngực, khó thở, đau nhức, mệt mỏi tăng thì nên đưa người bệnh đến các cơ sở y tế để theo dõi, điều trị kịp thời.

Phòng ngừa bệnh cúm

Virus cúm có khả năng lây lan trực tiếp từ người này sang người khác nên mỗi người cần chủ động phòng ngừa bệnh cúm này:

- Rửa tay thường xuyên với xà phòng và nước
- Lau chùi thường xuyên các bề mặt hay các vật dụng có thể bị lây nhiễm bệnh cúm
- Xây dựng chế độ ăn cân bằng chất dinh dưỡng, ăn uống đúng giờ
- Tập thể dục hàng ngày, rửa tay trước và sau khi ăn cũng như mỗi khi ở ngoài về nhà, bàn tay sạch là một trong các biện pháp quan trọng để ngừa cúm.
- Bệnh cúm mùa được dự phòng bằng cách tiêm chủng vắc-xin phòng bệnh cúm.

Tiêm vắc-xin phòng cúm mùa

Tiêm vắc-xin cúm hàng năm là cách an toàn, hiệu quả để phòng ngừa cúm. Theo khuyến cáo của CDC - Trung tâm kiểm soát và phòng ngừa dịch bệnh Hoa Kỳ, những đối tượng dưới đây nên đi tiêm ngừa vắc-xin cúm mùa hàng năm:

- Trẻ em từ 6 tháng tuổi trở lên
- Phụ nữ đang mang thai
- Người lớn trên 65 tuổi
- Người bị mắc các bệnh lý mãn tính: viêm phổi mãn tính, hen, bệnh tim mạch, suy thận, đái tháo đường, suy giảm hệ miễn dịch do điều trị bệnh hoặc mắc HIV/AIDS.

 

Phân biệt cảm cúm và cảm lạnh thông thường

Cảm lạnh là một nhóm các triệu chứng gây ra bởi nhiều loại virus khác nhau, trong đó hay gặp nhất là các chủng Rhinovirus. Với bệnh cảm lạnh thông thường, chủ yếu ảnh hưởng tới mũi, họng (viêm họng), và các xoang (viêm xoang). Các triệu chứng của cảm lạnh thường biểu hiện từ từ, cơ thể mệt mỏi khoảng 3-4 ngày và tự hết trong vòng 7 đến 10 ngày.

Cảm cúm là một bệnh truyền nhiễm cấp tính lây truyền qua đường hô hấp, gây ra bởi virus cúm. Thường do hai chủng virus cúm A, B gây ra. Bệnh cúm thường có tốc độ lây lan khá nhanh, do người bệnh hít phải không khí có chứa virus cúm. Có nhiều chủng virus cúm có thể gây bệnh từ nhẹ, hoặc thành đại dịch, một số chủng có độc tính cao gây nhiều biến chứng nguy hiểm đến tính mạng.

Chăm sóc sức khỏe khi bị cúm

Bệnh cảm cúm thông thường không có thuốc điều trị đặc hiệu, để nhanh khỏi bệnh, nên cho người bệnh nên áp dụng các biện pháp sau:

- Áp dụng các biện pháp cách ly để phòng tránh lây nhiễm cho người khác, hạn chế ra khỏi phòng bệnh, khi ra khỏi phòng cần đeo khẩu trang;
Phối hợp dùng thuốc hạ sốt, thuốc giảm ho (nếu có) và/hoặc thuốc kháng sinh theo hướng dẫn của nhân viên y tế; Vệ sinh mắt, mũi họng hàng ngày bằng dung dịch nước muối sinh lý 0,9%;
- Cho người bệnh ăn các thức ăn mềm, lỏng, dễ tiêu như: cháo, bột, sữa và uống nhiều nước nhất là nước hoa quả có nhiều vitamin C;




Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn