>

Chảy máu mũi trẻ em

14:56 23/04/2019

Mũi là nơi dễ bị chấn thương và dễ chảy máu.

Có 3 mức độ chảy máu: nhẹ, vừa và nặng. Cách xử trí khác hẳn nhau.

- Chảy máu mũi nhẹ (điểm mạch): 5ml.

- Chảy máu mũi vừa (chảy từ trên xuống): 50ml.

- Chảy máu mũi nặng (chảy ra phía sau): 300ml.

Nhiều trẻ em trong độ tuổi mẫu giáo có thể bị chảy máu mũi vài lần trong tuần. Hiện tượng này không có gì nguy hiểm. Tuy nhiên, nó lại là nỗi sợ đối với trẻ em và các bậc cha mẹ.

Có nhiều nguyên nhân gây chảy máu mũi ở trẻ nhỏ. Chúng thường không nghiêm trọng, phổ biến nhất là:

- Trẻ bị cảm lạnh hay dị ứng: Lớp niêm mạc mũi trẻ sưng lên gây chảy máu.

- Trẻ bị chấn thương: trẻ bị ngã va trúng mũi, bị đập mạnh vào mũi hoặc đưa tay vọc mũi, nhét vật gì đó vào cũng dẫn đến chảy máu mũi

- Không khí khô: Việc nằm phòng máy lạnh làm cho không khí khô cũng có thể là nguyên nhân khiến trẻ bị chảy máu mũi

Các nguyên nhân vừa nêu sẽ gây sung huyết đám rối kiesselbach nằm ở vách ngăn mũi dẫn đến chảy máu mũi ở trẻ ở mức độ nhẹ. Ngoài ra, một số nguyên nhân ít gặp hơn làm trẻ em bị chảy máu mũi lượng vừa và nặng  như:

- Do cấu trúc bất thường trong mũi; Chảy máu từ u xơ vòm, bướu máu mũi, dị dạng mạch máu mũi, bệnh Osler…

- Các bệnh lý hay thuốc làm máu khó đông; Bệnh rối loạn đông máu bẩm sinh, các bệnh của tiểu cầu, ung thư máu…

- Chấn thương; vỡ xương vùng mũi xoang cũng gây chảy máu vừa hoặc nặng

* Cách xử lý ban đầu khi trẻ bị chảy máu mũi:

Khi trẻ bị chảy máu mũi cha mẹ nên bình tĩnh. Mẹ hãy giữ bé ngồi hoặc đứng yên, đầu hơi cúi ra trước rồi dùng ngón cái và ngón trỏ bóp một lực vừa phải lên chóp mũi, giữ nguyên khoảng 10 phút. Mẹ hãy để bé tự làm nếu bé đủ lớn. Điều quan trọng là đừng thả tay ra kiểm tra xem máu còn chảy không khi chưa đủ 10 phút. Sau 10 phút, mẹ hãy buông tay ra và đợi, nếu máu tiếp tục chảy, hãy lặp lại động tác nói trên 3 lần. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy mẹ hãy đưa trẻ đến cơ sở y tế gần nhất.

Lưu ý: không nên để trẻ nằm xuống hoặc ngửa đầu ra sau. Trẻ sẽ nuốt phải máu dẫn đến ói mửa. Đồng thời, không nên nhét khăn giấy, gạc hoặc bất cứ vật dụng nào khác vào mũi trẻ. Đưa trẻ đi khám chuyên khoa tai mũi họng trong các trường hợp:

- Máu mũi trẻ vẫn chảy sau 3 lần bóp mũi.

- Máu chảy lượng vừa và nặng

Hiện tượng chảy máu mũi nhẹ ở trẻ em không nguy hiểm, cha mẹ có thể xử trí tại nhà. Nhưng nếu chảy máu mũi lượng vừa hoặc nặng sẽ gây nguy hiểm tính mạng bệnh nhi. Các trường hợp này nên được khám và kiểm tra để tìm ra nguyên nhân xử trí thích hợp và kịp thời.

Bs CKI Nguyễn Hồng Trứ




Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn