>

Hẹp da quy đầu ở trẻ nhỏ - những điều cần biết

10:42 06/11/2018

Hẹp bao quy đầu là tình trạng da của quy đầu dương vật  không kéo xuống được. Nguyên nhân thường gặp do hẹp sinh lý (chiếm đa số) hoặc hẹp bao quy đầu bệnh lý.

Hẹp bao quy đầu sinh lý là tình trạng da bao quy đầu dính với quy đầu một cách tự nhiên để bảo vệ quy đầu và lỗ tiểu lúc trẻ mới sinh. Cùng với sự phát triển của cơ thể, dương vật của trẻ phát triển theo và bong ra các tế bào chết của thượng bì da bao quy đầu giúp bao quy đầu dần tự tách khỏi quy đầu.

Hẹp bao quy đầu bệnh lý hay còn gọi là hẹp bao quy đầu thứ phát, thường là hậu quả của các đợt viêm nhiễm dẫn tới sẹo chít xơ hóa chai da bao quy đầu ở trẻ có da bao quy đầu bình thường hoặc da bao quy đầu dài. Có 2 mức độ:

Bán hẹp bao quy đầu là tình trạng có thể lột da bao quy đầu khi dương vật ở trạng thái bình thường, nhưng khi dương vật cương cứng thì da bao quy đầu không thể tuột xuống được và gây thắt nghẽn đầu dương vật.

Hẹp bao quy đầu hoàn toàn là tình trạng không thể lột da bao quy đầu được bất kể dương vật ở trạng thái bình thường hay khi cương cứng.

Nếu không điều trị, hẹp bao qui đầu có thể dẫn tới nhiều hậu quả.

  • Trẻ có thể bị nhiễm trùng tiểu tái phát.
  • Không vệ sinh tốt gây viêm quy đầu.
  • Trẻ sẽ đau khi cương cứng.
  • Kẹt bao quy đầu làm tắc mạch nuôi qui đầu phải cấp cứu
  • Các chất tiết tích tụ có nguy cơ gây ung thư dương vật về sau.

Trẻ nhỏ bị hẹp bao quy đầu sinh lý thường không cần làm gì đến 3 tuổi đa số da quy đầu sẽ tự nong và hết hẹp

Trường hợp sau 3 tuổi vẫn chưa kéo xuống khỏi quy đầu được thì có thể bôi thuốc Betamethasone 0,05% lên da bao quy đầu, 1-2 lần mỗi ngày trong khoảng 4-6 tuần. Bao quy đầu có thể tuột xuống trong khoảng 2/3 trường hợp.

Trường hợp hẹp bao quy đầu bệnh lý cần  điều trị nhiễm trùng trước, sau đó có thể bôi thuốc có chứa chất kháng viêm Betamethasone 0,05% 1-2 lần một ngày trong 4 tuần và nong da bao quy đầu nhẹ nhàng tại nhà lúc tắm cho trẻ vì lúc này da bao quy đầu mềm mại

Trẻ 7-8 tuổi mà da bao quy đầu vẫn chưa tuột được, bôi thuốc cũng không có kết quả, nhất là khi tiểu có hiện tượng da bao quy đầu căng phồng hoặc trẻ hay bị viêm da bao quy đầu, thì nên phẫu thuật cắt da quy đầu.

Nếu trẻ chỉ bị dài và hẹp nhẹ da bao quy đầu thì nên chờ đến độ tuổi bắt đầu dậy thì mới tiến hành cắt bao quy đầu.

*Chỉ định cắt da bao quy đầu cho trẻ trong những trường hợp sau:

- Hẹp bao quy đầu bệnh lý, lúc này da bao quy đầu của bé bị chít hẹp xơ chai.

- Trong trường hợp điều trị bảo tồn thất bại (bôi thuốc kết hợp nong da bao quy đầu thất bại)

- Vì lý do tôn giáo, thẩm mỹ hoặc yêu cầu của người nhà.

BS Tạ Hữu Nghĩa




Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn