Loãng xương là một rối loạn chuyển hóa của bộ xương làm tổn thương sức mạnh của xương đưa đến tăng nguy cơ gãy xương. Bệnh hay gặp ở phụ nữ hơn ở đàn ông. Tỷ lệ mắc bệnh ở phụ nữ so với đàn ông là khoảng gấp 3 lần.
Xương người được cấu tạo bởi các bè xương liên kết với nhau thành một mạng lưới, tạo nên độ vững chắc của xương. Ở người bình thường, các bè xương xếp dày đặc, độ dày của mỗi bè xương khá lớn.Có hai quá trình đồng thời xảy ra và tác động trực tiếp lên xương của con người: Tạo xương và Hủy xương. Khi còn trẻ, quá trình Tạo xương chiếm ưu thế, xương ngày một phát triển, các bè xương ngày càng to ra, ngày càng cứng chắc. Đến tuổi trưởng thành, hai quá trình Tạo xương và Hủy xương cân bằng với nhau, xương luôn luôn cứng chắc. Càng lớn tuổi, Hủy xương thắng thế. Hậu quả là các bè xương mỏng lại, bớt chắc khỏe, số lượng bè xương cũng giảm hẳn, tạo ra các khoang rỗng bên trong xương nên người ta hay gọi là xốp xương hoặc loãng xương.
Trong giai đoạn sớm của bệnh không hề có triệu chứng gì (chính vì vậy mà bệnh loãng xương được mệnh danh là “sát thủ thầm lặng”). Khi có dấu hiệu lâm sàng, thường là lúc đã có biến chứng, cơ thể đã bị mất tới 30% khối lượng xương.
Gãy xương là triệu chứng rõ nhất, đồng thời đây cũng là biến chứng nặng nhất của loãng xương. Gãy xương do loãng xương thường xảy ra ở xương đốt sống, cổ xương đùi và cổ tay. Gãy xương làm cho bệnh nhân rất đau, không thể xoay trở hoặc di chuyển được vì cứ mỗi lần xoay trở hoặc di chuyển lại rất đau, dần dần người bệnh sợ không dám xoay trở hoặc di chuyển nữa.
Nhằm mang đến những giải pháp mới trong việc điều trị loãng xương. Ngày 15/09/2017, Bệnh viện đã tổ chức buổi hội thảo chuyên đề “Tuân thủ điều trị loãng xương thách thức và giải pháp” do PGS TS BS Lê Anh Thư – Chủ tịch Hội loãng xương Tp. Hồ Chí Minh trình bày.
Tại Hội thảo bác sĩ nhấn mạnh: loãng xương có thể phòng ngừa, có thể được phát hiện và chẩn đoán sớm cũng như đã có các thuốc điều trị hiệu quả tuy nhiên chưa được thực hiện nghiêm túc. Theo Bác sĩ Lê Anh Thư việc phòng và điều trị tích cực sẽ là cơ hội giảm tử vong cho người bệnh. Tuy nhiên việc tuân thủ điều trị loãng xương hiện tại còn nhiều thách thức.
Trong suốt buổi hội thảo những thách thức cùng giải pháp điều trị loãng xương được Bác sĩ Lê Anh Thư cùng các bác sĩ tại bệnh viện trao đổi và thảo luận. Đặc biệt, Chủ tịch Hội loãng xương hết sức vui mừng khi người dân vùng Đồng bằng sông Cửu Long sẽ có thêm cơ hội để tầm soát và điều trị loãng xương tại một cơ sở y tế uy tín và tin cậy. Bác sĩ Lê Anh Thư tin rằng, với việc trang bị đầy đủ trang thiết bị, vật tư y tế hiện đại, Bệnh viện Thanh Vũ sẵn sàng đồng hành cùng người dân phòng và điều trị căn bệnh nguy hiểm này.
Loãng xương sẽ gây ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe của người bệnh. Tuy nhiên, không vì vậy mà quá lo lắng. Người dân hoàn toàn có thể đến các cơ sở y tế để tầm soát loãng xương. Việc phát hiện sớm, tuân thủ quy trình điều trị, hướng dẫn của bác sĩ chuyên khoa sẽ góp phần làm giảm gánh nặng do loãng xương gây ra, giúp người bệnh có được sức khỏe tốt, tinh thần lạc quan để sống, làm việc hiệu quả.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY