Tư vấn chuyên môn bài viết: BS.CKI Đổ Ngọc Cường
Bác sĩ chuyên khoa Chẩn đoán hình ảnh
Bệnh lý mạch máu não là một trong những nguyên nhân hàng đầu gây ra các vấn đề sức khỏe nghiêm trọng, bao gồm đột quỵ, phình động mạch, dị dạng động tĩnh mạch (AVM), và hẹp mạch máu, là những nguyên nhân hàng đầu gây tử vong và tàn tật trên toàn thế giới. Việc phát hiện và điều trị sớm các bệnh lý này có thể giúp giảm thiểu nguy cơ và tăng cơ hội hồi phục cho bệnh nhân. Một trong những phương pháp hiện đại giúp phát hiện bệnh lý mạch máu não không cần thực hiện những thủ thuật xâm lấn và vô cùng hiệu quả là chụp MRI mạch máu não trên máy cộng hưởng từ (MRI) 3.0 Tesla.
Máy MRI 3.0 Tesla có tích hợp AI được trang bị tại Bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu
1. Nguy cơ sử dụng thuốc tương phản trong chụp CT hay MRI
Thuốc tương phản được sử dụng trong chụp CT (chụp cắt lớp vi tính) và MRI (cộng hưởng từ) nhằm cải thiện chất lượng hình ảnh, giúp bác sĩ nhìn rõ hơn các cấu trúc bên trong cơ thể. Tuy nhiên, việc tiêm thuốc tương phản cũng tiềm ẩn một số nguy cơ, bao gồm:
1.1. Phản ứng dị ứng:
- Nhẹ: Phát ban, ngứa, buồn nôn, hoặc cảm giác nóng rát.
- Nặng: Phản vệ, có thể gây nguy hiểm đến tính mạng nếu không được xử lý kịp thời.
1.2. Độc tính trên thận (đặc biệt trong chụp CT):
Thuốc tương phản gốc iod dùng trong CT có thể gây bệnh thận do thuốc tương phản (contrast-induced nephropathy - CIN), đặc biệt ở những người:
- Bị bệnh thận mạn.
- Có tiền sử tiểu đường.
- Đang sử dụng các thuốc làm tăng nguy cơ tổn thương thận.
1.3. Tích tụ gadolinium (trong MRI):
- Thuốc tương phản chứa gadolinium có thể tích tụ trong các mô của cơ thể, đặc biệt là ở não. Tuy nhiên, ảnh hưởng lâu dài vẫn chưa được hiểu rõ hoàn toàn.
- Xơ hóa hệ thống do thuốc tương phản (nephrogenic systemic fibrosis - NSF): Một tình trạng hiếm gặp nhưng nghiêm trọng, thường xảy ra ở bệnh nhân suy thận nặng.
1.4. Rối loạn điện giải hoặc phản ứng khác:
Một số thuốc tương phản có thể gây thay đổi tạm thời ở cân bằng điện giải, dẫn đến cảm giác khó chịu.
Buồn nôn, nôn, hoặc cảm giác nóng lan tỏa sau khi tiêm.
1.5. Nguy cơ khác do kỹ thuật tiêm
- Thoát mạch: Thuốc tương phản có thể thoát ra ngoài mạch máu, gây viêm hoặc hoại tử mô xung quanh.
- Đau tại vị trí tiêm: Đôi khi, bệnh nhân có thể cảm thấy đau hoặc khó chịu khi tiêm.
1.6. Các yếu tố tăng nguy cơ
- Tiền sử dị ứng: Người đã từng có phản ứng với thuốc tương phản.
- Bệnh lý nền: Suy thận, tiểu đường, bệnh tim mạch.
- Mang thai hoặc cho con bú: Mặc dù thuốc tương phản thường an toàn, cần thận trọng ở phụ nữ mang thai hoặc đang cho con bú.
2. Lợi ích của tầm soát bệnh lý mạch máu não trên MRI 3.0 Tesla không cần thuốc tương phản
Việc sử dụng thuốc tương phản trong các kỹ thuật chẩn đoán hình ảnh có thể mang lại kết quả chính xác hơn, nhưng đồng thời cũng tiềm ẩn một số nguy cơ cho bệnh nhân, đặc biệt là những người có bệnh lý thận, dị ứng thuốc, hoặc các vấn đề sức khỏe khác. Để tránh những nguy cơ tiềm ẩn đó mà vẫn tầm soát được bệnh lý mạch máu não, bệnh nhân có thể chụp MRI bằng hệ thống MRI 3.0 Tesla. Những lợi ích của tầm soát bệnh lý mạch máu não trên MRI 3.0 Tesla bao gồm:
2.1. Độ phân giải hình ảnh cao
Máy MRI 3.0 Tesla cung cấp hình ảnh có độ phân giải không gian và độ tương phản cao, giúp bác sĩ dễ dàng phát hiện các bất thường nhỏ trong hệ mạch máu não, chẳng hạn như:
- Phình động mạch kể cả phình động mạch rất nhỏ (<3 mm): MRA TOF 3D (chụp MRI mạch máu não không sử dụng thuốc tương phản) có độ nhạy 95,6% và độ đặc hiệu 100% trong phát hiện phình động mạch não. Đối với phình động mạch rất nhỏ (<3 mm), độ nhạy là 90,5% và độ đặc hiệu là 100% [1], [2].
- Dị dạng động tĩnh mạch phức tạp.
- Hẹp hoặc tắc nghẽn mạch máu: Các nghiên cứu đều chứng minh MRA TOF 3D có độ nhạy và độ đặc hiệu cao trong chẩn đoán hẹp hay tắc nghẽn động mạch nội sọ. Cụ thể có một nghiên cứu tại Hàn Quốc đã báo cáo độ nhạy 94,2%, độ đặc hiệu 91,6,1% và độ chính xác chẩn đoán 91,9% trong việc phát hiện hẹp >50% động mạch não nội sọ do xơ vữa [3]. Đặc biệt, nghiên cứu đã này chứng minh MRA TOF 3D có hiệu quả chẩn đoán tương đương với CE-MRA (chụp MRI mạch máu não có dùng thuốc tương phản) trong chẩn đoán bệnh xơ vữa động mạch nội sọ [3]. Vì vậy, bệnh nhân có thể hoàn toàn an tâm mặc dù không sử dụng thuốc tương phản nhưng với máy MRI 3.0 Tesla kết quả chụp mạch máu não vẫn hoàn toàn chính xác.
2.2. Kỹ thuật không xâm lấn và an toàn
MRI là phương pháp không sử dụng tia X và không yêu cầu phẫu thuật, đảm bảo an toàn tuyệt đối cho bệnh nhân. Kỹ thuật này cũng không cần sử dụng thuốc tương phản trong một số trường hợp, giúp giảm nguy cơ phản ứng dị ứng, tác dụng phụ hoặc các vấn đề về thận, đặc biệt đối với những bệnh nhân có tiền sử dị ứng với thuốc tương phản hoặc bệnh lý thận mạn tính.
Phương pháp này có thể áp dụng cho những bệnh nhân không thể sử dụng thuốc tương phản do các lý do sức khỏe. Điều này giúp mở rộng khả năng tầm soát bệnh lý mạch máu não cho nhiều đối tượng bệnh nhân hơn.
2.3. Phát hiện sớm các tổn thương nguy hiểm
Nhờ khả năng tạo hình ảnh chi tiết, MRI 3.0 Tesla cho phép phát hiện sớm các tổn thương mạch máu não, ngay cả khi chưa có triệu chứng lâm sàng. Điều này đặc biệt quan trọng trong việc phòng ngừa đột quỵ và các biến chứng nghiêm trọng.
2.4. Đánh giá chức năng và dòng chảy máu
Kỹ thuật Time of Flight (TOF) và Phase Contrast (PC) trên MRI 3.0 Tesla cung cấp thông tin chi tiết về dòng chảy máu trong các mạch máu não, giúp bác sĩ đánh giá chính xác tình trạng lưu thông máu.
2.5. Tiết kiệm chi phí và thời gian:
Việc không cần sử dụng thuốc tương phản giúp giảm chi phí điều trị, vì bệnh nhân không phải mua thuốc tương phản, đồng thời giảm thời gian chờ đợi và chuẩn bị cho quy trình xét nghiệm.
3. Quy trình thực hiện
Quy trình khảo sát mạch máu não trên máy MRI 3.0 Tesla không dùng thuốc tương phản khá đơn giản. Bệnh nhân sẽ được yêu cầu nằm trên bàn khám MRI, và máy MRI sẽ quét qua vùng đầu và cổ của bệnh nhân để thu thập dữ liệu hình ảnh từ các mạch máu não. Dữ liệu này sau đó được xử lý để tái tạo lại hình ảnh 3D của các mạch máu, giúp các bác sĩ chẩn đoán các bệnh lý mạch máu não.
4. Các ứng dụng trong thực tế
Chụp mạch máu não không cần thuốc tương phản trên máy MRI 3.0 Tesla có thể được sử dụng trong nhiều trường hợp khác nhau, bao gồm:
- Tầm soát đột quỵ: Phát hiện các cục máu đông hoặc tắc nghẽn trong mạch máu não, giúp xác định nguy cơ đột quỵ và các vấn đề tim mạch khác.
- Phình và dị dạng mạch máu não: Phát hiện túi phình động mạch nội sọ và các dị dạng mạch máu, chẳng hạn như phình mạch hoặc dị dạng mạch máu tĩnh mạch, từ đó có thể lên kế hoạch điều trị kịp thời.
- Theo dõi bệnh lý mạch máu mãn tính: Đối với những bệnh nhân có tiền sử các bệnh lý mạch máu não như tai biến mạch máu não, phương pháp này giúp theo dõi sự tiến triển của bệnh mà không cần thêm thuốc tương phản.
- Đánh giá các bất thường bẩm sinh trong cấu trúc mạch máu não: Phát hiện các vấn đề từ sớm, giúp cải thiện cơ hội điều trị hiệu quả.
Bệnh nhân chụp MRI não phát hiện túi hình động mạch nhỏ nhờ kỹ thuật MRA TOF 3D (hình bên trái). Sau đó bệnh nhân được tiến hành chụp DSA mạch máu não (tiêu chuẩn vàng trong chẩn đoán bệnh lý mạch máu) để chẩn đoán xác định và can thiệp điều trị. Kết quả trên DSA cũng phát hiện túi phình động mạch nhỏ (hình bên phải), như vậy kết quả trên MRI hoàn toàn tương đồng với DSA.
(Nguồn: Philips)
Khảo sát mạch máu não trên máy MRI 3.0 Tesla không cần sử dụng thuốc tương phản là một bước tiến quan trọng trong chẩn đoán và tầm soát bệnh lý mạch máu não. Phương pháp này không chỉ mang lại hiệu quả cao trong việc phát hiện các bất thường trong hệ thống mạch máu não mà còn giúp tăng cường an toàn cho bệnh nhân, giảm chi phí và tiết kiệm thời gian. Đây là một công cụ vô cùng hữu ích trong y học, góp phần cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị các bệnh lý mạch máu não, đặc biệt đối với những bệnh nhân có các yếu tố nguy cơ cao hoặc không thể sử dụng thuốc tương phản.
Tham khảo:
[1] Đinh, Văn Tuyền, và Chí Cường Trần. “NGHIÊN CỨU ĐẶC ĐIỂM HÌNH ẢNH HỌC VÀ GIÁ TRỊ CỦA CỘNG HƯỞNG TỪ MẠCH MÁU TOF 3D 3.0 TESLA TRONG PHÁT HIỆN PHÌNH ĐỘNG MẠCH NÃO TẠI BỆNH VIỆN ĐỘT QUỴ TIM MẠCH CẦN THƠ”. Tạp Chí Y Dược học Cần Thơ , số p.h 64, Tháng Chín 2023, tr 59-64, doi:10.58490/ctump.2023i64.1925.
[2] Deutschmann, H A et al. “Diagnostic accuracy of 3D time-of-flight MR angiography compared with digital subtraction angiography for follow-up of coiled intracranial aneurysms: influence of aneurysm size.” AJNR. American journal of neuroradiology vol. 28,4 (2007): 628-34.
[3] Choi J, Lim SM, Kim Y. Comparison of 3D TOF MRA with Contrast Enhanced MRA in Intracranial Atherosclerotic Occlusive Disease. J Korean Soc Radiol. 2011 Mar;64(3):203-211. https://doi.org/10.3348/jksr.2011.64.3.203
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY