Trẻ xem điện thoại, máy tính bảng hay tivi quá nhiều có thể dẫn đến hội chứng Tic - một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ đích, xảy ra bất ngờ nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát nhiều lần. Đó cũng là trường hợp của bé gái 10 tuổi, vừa được các bác sĩ Trung tâm Y học cổ truyền - Vật lý trị liệu - Phục hồi chức năng (YHCT - VLTL - PHCN) BVĐK Thanh Vũ Medic Bạc Liêu điều trị thành công mới đây.
Theo chia sẻ từ phụ huynh, sau khi phát hiện bé có dấu hiệu giật cơ vùng mắt và miệng bên phải, tình trạng giật cơ mặt tăng khi bé tập trung xem điện thoại, tivi, ăn uống,… người nhà lập tức đưa bé đến Trung tâm YHCT - VLTL - PHCN thuộc BVĐK Thanh Vũ Medic Bạc Liêu. Tại đây, các bác sĩ tiếp nhận bệnh nhi với triệu chứng giật cơ vùng mắt và miệng bên phải trên tiền sử liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên cùng bên.
Qua khám lâm sàng, bác sĩ tại Trung tâm chẩn đoán bé mắc hội chứng Tic, chỉ định thực hiện laser châm, cứu điếu ngải và xoa bóp thư giãn cơ vùng mặt kết hợp bấm huyệt giúp ôn ấm và khai thông kinh mạch.
Các bác sĩ cùng kỹ thuật viên xây dựng 2 liệu trình điều trị cho bé kéo dài trong 4 tuần. Đến nay, sau 3 tuần điều trị - tức 1/2 thời gian của liệu trình thứ hai, bệnh nhi đã hồi phục gần như hoàn toàn, tần suất giật cơ giảm từ 10-12 lần/ tiếng còn 2-3 lần/ngày.
Bác sĩ Vương Lâm Quỳnh Như - Phụ trách nhóm Phục hồi chức năng Sản - Nhi tại Trung tâm YHCT - VLTL - PHCN thăm khám cho bệnh nhi
Bác sĩ Vương Lâm Quỳnh Như - Phụ trách nhóm Phục hồi chức năng Sản - Nhi tại Trung tâm, cũng là bác sĩ điều trị chính của bệnh nhi cho biết: “Nguyên nhân của hội chứng Tic thường không rõ ràng. Với bệnh nhi này có thể do di chứng của quá trình điều trị liệt dây thần kinh số 7 ngoại biên trước đó, đồng thời bé cũng hay xem điện thoại và ti vi nhiều - cũng là một yếu tố nguy cơ gây bệnh” .
Với những bệnh nhi mắc hội chứng Tic, ngoài tuân thủ đúng và đủ các liệu trình tập luyện của bác sĩ, người nhà nên cho bé hoạt động thể thao hay những công việc mà bé yêu thích; hạn chế thức khuya; tránh học tập quá căng thẳng hay xem điện thoại, máy tính quá nhiều,... Việc trị liệu bằng các phương pháp y học cổ truyền, phục hồi chức năng kết hợp thay đổi thói quen sinh hoạt sẽ giúp đem lại hiệu quả điều trị tối ưu, qua đó thúc đẩy quá trình hồi phục của bệnh.
Rối loạn Tic (Tic Disorder) là một dạng rối loạn vận động hay một phát âm không chủ đích, xảy ra bất ngờ nhanh chóng nhưng lặp đi lặp lại một cách mất kiểm soát nhiều lần gây ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh hoạt của trẻ. Hội chứng này thường xảy ra ở trẻ em dưới 18 tuổi.
Nếu xảy ra ở các cơ vận động thì được gọi là Tic vận động, bao gồm các động tác như nháy mắt, chun mũi (giống như đánh hơi), nhún vai, lắc đầu, giật cơ hàm,… Nếu xảy ra ở các cơ hô hấp thì gọi là Tic âm thanh, bao gồm thở dài, ho, lẩm bẩm, các âm thanh khác như tặc lưỡi, hắng giọng, la hét,… Trường hợp nặng hơn (dạng Tic phức tạp), trẻ có thể nói các từ hoặc các câu lặp đi lặp lại và không phù hợp với bối cảnh hay hành động như tự vỗ vào người, tự cắn, nhảy nhót, giậm chân, xoay tròn,…
Bệnh này không nguy hiểm nhưng gây mất thẩm mỹ cho trẻ, khiến cha mẹ lo lắng dẫn đến stress. Trẻ mắc rối loạn Tic thường do cha mẹ quá bận bịu, giao con cho ông bà giữ hoặc cho con xem tivi, điện thoại, chơi game, chơi iPad... quá nhiều. Cũng có nghiên cứu cho rằng, rối loạn Tic do di truyền, do những bất thường trong não hoặc các chất dẫn truyền thần kinh. Hội chứng Tic cũng có thể do đột quỵ, chấn thương đầu, nhiễm trùng, thoái hóa thần kinh, tế bào gai thần kinh và nhũn não,…
Khi trẻ có các triệu chứng trên, cách tốt nhất là cha mẹ nên đưa con đến khám tại cơ sở y tế uy tín để được can thiệp kịp thời và điều trị đúng cách./.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY