>

Tư vấn miễn phí bệnh tay-chân-miệng

08:37 13/10/2018

Trước tình hình đáng lo ngại về bùng phát dịch Tay-Chân-Miệng, BVĐK Thanh Vũ Medic Bạc Liêu đã tổ chức buổi tư vấn miễn phí bệnh Tay-Chân-Miệng cho thân nhân người bệnh nội trú. Trình bày nội dung này tại buổi tư vấn là Điều dưỡng Trưởng khoa Nhi Nguyễn Thị Kim Dung.

BỆNH TAY CHÂN MIỆNG (TCM) LÀ GÌ? Là bệnh lý nhiễm trùng lây truyền từ người sang người do nguồn lây chính từ nước bọt, dịch bóng nước, phân trẻ bị nhiễm bệnh.

  • Bệnh TCM gặp rải rác quanh năm tại các tỉnh phía Nam. Bệnh có xu hướng tăng cao vào hai thời điểm từ tháng 3-5 và từ tháng 9-12 hàng năm.
  • Bệnh có thể gặp ở mọi lứa tuổi nhưng thường gặp ở trẻ dưới 5 tuổi, đặc biệt là trẻ <3 tuổi.

Các yếu tố sinh hoạt tập thể như trẻ đi học tại nhà trẻ, mẫu giáo…là các yếu tố nguy cơ lây truyền bệnh, đặc biệt là trong các đợt bùng phát.

Biểu hiện: tổn thương da, niêm mạc dưới dạng phỏng nước ở các vị trí như miệng, lòng bàntay, lòng bàn chân, mông, gối.

TRIỆU CHỨNG BỆNH NHƯ THẾ NÀO?

1 - 2 ngày đầu:

Bé sốt nhẹ, vừa có thể sốt cao, mệt mỏi, đau họng, biếng ăn, tiêu chảy…

Từ ngày 3 - 10

  • Còn sốt, nếu nhẹ sốt có thể giảm dần
  • Loét miệng, lưỡi, lợi, kèm theo đau, bỏ ăn, bỏ bú, chảy nước bọt, nôn…
  • Nổi bóng nước ở lòng bàn tay, bàn chân, mông, gối…
  • Nếu nhẹ trẻ có thể lui bệnh trong 3-5 ngày và phục hồi hoàn toàn nếu không có biến chứng.
  • Diễn tiến nặng trẻ có thể sốt cao, nôn ói nhiều, co giật, khó thở, yếu chi, rung giật cơ, đi đứng loạng choạng, bứt rứt, giật mình chới với, hôn mê…

DINH DƯỠNG CHO TRẺ BỆNH TCM:

  • Nếu trẻ còn bú mẹ thì cho trẻ bú như bình thường, có thể tăng số lần bú hàng ngày cho trẻ.
  • Do có vết loét trong miệng nên trẻ thường đau miệng và không muốn ăn. Vì vậy, cần chuẩn bị thức ăn mềm nhuyễn, đủ chất. Kể cả rau củ quả cũng nên làm nhuyễn cho trẻ.
  • Cần làm nguội thức ăn trước khi cho trẻ ăn nhằm tạo cảm giác dễ chịu, kích thích trẻ ăn uống ngon miệng hơn…
  • Chia thành nhiều bữa ăn nhỏ do trẻ bị đau miệng nên mỗi bữa sẽ không ăn được nhiều.
  • Không cố gắng ép trẻ ăn (vì trẻ đau miệng, ăn nhiều một lúc sẽ gây cảm giác khó chịu)
  • Tránh chọn những loại muỗng, thìa có cạnh sắc để đút cho trẻ. Không đụng vào các vết loét ở đầu lưỡi và môi làm trẻ đau dẫn đến sợ hãi, không ăn.
  • Sau khi ăn xong, cần cho trẻ súc miệng sạch sẽ hoặc lau sạch miệng.
  • Một số món ăn giúp trẻ dễ nuốt, dễ tiêu hóa và vẫn đảm bảo đủ dinh dưỡng. Do những vết loét ở lưỡi, lợi sẽ khiến trẻ đau khi nhai, khó nuốt nên việc uống sữa sẽ dễ dàng hơn. Sữa chứa nhiều protein giúp trẻ mau hồi phục và cung cấp nước đề bù lại những cơn sốt làm mất nước.
  • Cháo bột: Phụ huynh nên nấu cháo bột hoặc xay cháo thật nhuyễn để trẻ có thể bỏ qua bước nhai, tránh gây đau ở miệng. Anh(chị) cũng có thể xay thêm một các loại thịt và rau củ quả để đảm bảo đầy đủ chất cho trẻ.
  • Sữa chua là một thực phẩm rất tốt cho trẻ bị tay chân miệng. Món ăn này bổ sung lợi khuẩn, giúp hệ tiêu hóa làm việc tốt hơn.

PHÒNG BỆNH RA SAO?

  1. Vệ sinh cá nhân, rửa tay bằng xà phòng (đặc biệt sau khi thay quần áo, tã, sau khi tiếp xúc với phân, nước bọt).
  2. Rửa sạch đồ chơi, vật dụng, sàn nhà, giặt sạch chăn, màn và phơi dưới ánh nắng mặt trời.
  3. Lau sàn nhà bằng dung dịch khử khuẩn Cloramin B 2% hoặc các dung dịch khử khuẩn khác.
  4. Cách ly trẻ bệnh tại nhà. Không đến nhà trẻ, trường học, nơi các trẻ chơi tập trung trong 10-14 ngày đầu của bệnh.
  5. Tập cho trẻ thói quen rửa tay.

CHÚNG TÔI KHUYÊN BẠN!

  • Đưa trẻ đi khám khi có sốt, loét miệng, ăn kém…hoặc nổi bóng nước tay chân.
  • Cho trẻ nhập viện theo dõi khi bị bệnh tay chân miệng
  • Nếu trẻ được theo dõi tại nhà thì phải tái khám mỗi ngày
  • Đưa trẻ đến bệnh viện ngay khi trẻ có dấu hiệu nặng.

* Một số hình ảnh tại buổi tư vấn:

Điều dưỡng trưởng khoa Nhi Nguyễn Thị Kim Dung thuyết trình tại buổi tư vấn

Bs CKI Lê Hoàng Khải trả lời những thắc mắc của thân nhân




Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn