>

Rối loạn chuyển hóa Lipid máu - con đường ngắn nhất dẫn tới nhồi máu cơ tim

13:44 18/06/2018

Rối loạn chuyển hóa lipid máu (hay máu nhiễm mỡ) thường được phát hiện muộn trong nhiều bệnh lý khác nhau của nhóm bệnh tim mạch - nội tiết - chuyển hóa. Việc điều trị mỡ máu gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc. Điều đáng nói, nếu trước kia mỡ máu chỉ thường gặp ở những người lớn tuổi, béo phì thì hiện nay mỡ máu đang có xu hướng trẻ hóa và gặp ngay cả ở những người thể trạng gầy. Bên cạnh đó, việc điều trị máu nhiễm mỡ không đơn giản.
Để kịp thời cập nhật kiến thức và nâng cao nghiệp vụ cho đội ngũ y – bác sĩ, điều dưỡng trưởng, Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu vừa tổ chức hội thảo chuyên đề khoa học “Cải thiện Dự hậu lâm sàng thông qua thông số lipid máu – sử dụng Statin an toàn và hiệu quả”. Chuyên đề do Thạc sĩ Bác sĩ Lê Đình Phương – Trưởng Khoa nội Tổng quát và Y học Gia đình Bệnh viện FV (Pháp Việt) trình bày. Toàn thể bác sĩ, điều dưỡng trưởng của bệnh viện tham dự hội thảo nhằm nâng cao nghiệp vụ, cập nhật phương pháp điều trị mới với mong muốn mang lại cuộc sống mạnh khỏe cho người dân.

Rối loạn chuyển hóa lipid máu (hay máu nhiễm mỡ) là bệnh về chuyển hóa thường gặp. Bệnh gây ra những ảnh hưởng nghiêm trọng tới sức khỏe người bệnh, là nguyên nhân chính dẫn tới xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch máu não, đột quỵ... Điều đáng nói, nếu trước kia mỡ máu chỉ thường gặp ở những người lớn tuổi, béo phì thì hiện nay mỡ máu đang có xu hướng trẻ hóa và gặp ngay cả ở những người thể trạng gầy. Việc điều trị mỡ máu gây tốn kém nhiều thời gian, tiền bạc khiến người bệnh càng thêm lo lắng, mệt mỏi.

Nguyên nhân của rối loạn chuyển hóa lipid máu bao gồm ít hoạt động thể lực, thừa cân, béo phì, ăn nhiều chất béo bão hòa, hút thuốc lá, uống nhiều rượu bia, tăng huyết áp, đái tháo đường, bệnh lý thận mãn tính…

Rối loạn chuyển hóa lipid máu thường xảy ra sau một thời gian dài bệnh nhân không thể nhận biết được vì không có triệu chứng đặc trưng. Phần lớn triệu chứng lâm sàng của rối loạn chuyển hóa lipid máu chỉ được phát hiện khi nồng độ các thành phần mỡ máu cao kéo dài, gây ra các biến chứng ở các cơ quan như xơ vữa động mạch, nhồi máu cơ tim, tai biến mạch não, viêm tụy cấp...

Thạc sĩ Bác sĩ Lê Đình Phương – Trưởng Khoa nội Tổng quát và Y học Gia đình Bệnh viện FV (Pháp Việt)  chia sẻ tại hội thảo

Khi xét nghiệm mỡ máu, có 4 chỉ số quan trọng cần được quan tâm đó là: Cholesterol toàn phần (Chol-total), HDL-cholesterol (HDL-c), LDL-cholesterol (LDL-c) và Triglyceride. Trong đó có tới 3 thành phần Cholesterol-total, LDL-cholesterol, Triglycerid nếu dư thừa sẽ gây hại cho cơ thể, chỉ có HDL-Cholesterol là thành phần mỡ tốt giúp bảo vệ cho cơ thể giúp chống lại quá trình xơ vữa động mạch. LDL-cholesterol chính là yếu tố gây hại chủ chốt cho cơ thể, là nguyên nhân chính hình thành mảng xơ vữa động mạch. Để chẩn đoán chính xác bất thường LDL-cholesterol, chúng ta phải xét nghiệm đo LDL-c bằng phương pháp trực tiếp, nếu sử dụng bằng phương pháp gián tiếp nội suy thì kết quả LDL-c sẽ thấp hơn kết quả thực tế của người bệnh # 20mg/dL.

Máu nhiễm mỡ gây ra quá nhiều nguy hiểm cho người bệnh. Do đó việc điều trị là cần thiết và cần phải thực hiện ngay khi phát hiện bệnh. Song, việc điều trị máu nhiễm mỡ không đơn giản. Ngoài việc sử dụng đúng thuốc, đúng liều lượng, người bệnh cũng cần có chế độ ăn uống và tập luyện đúng cách. Thuốc phổ biến dùng để trị máu nhiễm mỡ là các thuốc nhóm Statin. Ngoài ra còn có các nhóm thuốc khác như: nhóm resin, nhóm fibrate, nhóm niacin...

Nhóm Statin: tác dụng ức chế enzym hydroxymethylglutaryl CoA Reductase là 1 enzym tổng hợp cholesterol, làm giảm cholesterol nội sinh, kích thích tăng tổng hợp thụ thể LDL-c nên tăng thu giữ LDL-c tại gan. Kết quả giảm LDL-c, VLDL, cholesterol, triglycerid và tăng HDL-c. Ngoài ra nhóm statin còn giảm quá trình viêm của nội mạc mạch máu, giúp thoái triển mảng xơ vữa, tăng tổng hợp Nitric oxide của tế bào nội mạc mạch máu.

Lợi ích của Statin trên những người bệnh tim mạch và đái tháo đường (có hoặc không tăng LDL-c) đã được chứng minh qua nhiều nghiên cứu lớn. Tác dụng không mong muốn có thể gặp: đâu nhức cơ, tăng men gan, hoại tử cơ vân khi dùng liều cao, hoặc cơ địa người già. Tuy nhiên biến chứng tăng men gan, viêm gan là biến chứng rất hiếm, tần suất 2/1.000.000. Bác sĩ sẽ theo dõi các triệu chứng, kiểm tra men gan định kỳ và hướng dẫn sử dụng thuốc an toàn, sẽ chủ động chỉ định ngừng thuốc khi men gan tăng gấp 03 lần giới hạn cao men gan bình thường.




Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn