loading

19003301

Hotline

19000115

Cấp cứu 24/7

Tư vấn trực tiếp về bệnh đái thào đường

10:33 30/05/2018

ĐÁI THÁO ĐƯỜNG - NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT

Bệnh viện đa khoa Thanh Vũ vừa tổ chức thành công buổi tư vấn trực tiếp về căn bệnh nói trên. Đông đảo người dân đến tham dự và đặt câu hỏi tư vấn tại chỗ.

Bệnh đái tháo đường đang ngày càng trở nên phổ biến ở nước ta, chiếm tỉ lệ khoảng 5% dân số. Tỉ lệ bệnh đang ngày càng gia tăng trong 10 năm trở lại đây. Căn bệnh này đang âm thầm tàn phá cuộc sống của chúng ta nếu như không được phòng ngừa, chẩn đoán và điều trị kịp thời. Một điều đặc biệt quan trọng là có đến 65% người bị đái tháo đường tại Việt Nam không biết mình mắc bệnh.

Đái tháo đường hay bệnh tiểu đường là một bệnh lý mạn tính với biểu hiện lượng đường trong máu của người bệnh tăng cao so với mức bình thường. Nguyên nhân do cơ thể thiếu hụt hoặc đề kháng với insulin. Khi mắc bệnh đái tháo đường, cơ thể người bệnh không chuyển hóa được các chất đường bột từ thực phẩm bạn ăn hàng ngày một cách hiệu quả để tạo ra năng lượng. Lượng đường trong máu thường xuyên ở mức cao trong thời gian dài làm tăng nguy cơ các bệnh tim mạch, gây tổn thương các cơ quan như mắt, thận, thần kinh…

* Phân loại đái tháo đường: đái tháo đường type 1, đái tháo đường type 2, đái tháo đường thai kỳ, các tình trạng rối loạn đường huyết khác…

Các yếu tố có liên quan đến nguyên nhân của bệnh bao gồm tiền căn gia đình bị đái tháo đường, thừa cân- béo phì, ít vận động thể lực và chế độ ăn uống không hợp lý…

* Các triệu chứng điển hình của bệnh: khát nước, mệt mỏi, sụt cân, tiểu nhiều, vết thương chậm lành, suy giảm thị lực, ăn nhiều hơn…

* Làm sao để chẩn đoán bệnh?

Khi bạn có bất kỳ triệu chứng nào kể trên bạn nên đi khám bệnh. Bác sĩ sẽ tư vấn cho bạn làm các xét nghiệm để chẩn đoán đái tháo đường bao gồm: xét nghiệm đường máu, xét nghiệm HbA 1 C…

* Các biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường: khi bạn bị đái tháo đường mà không có chế độ dinh dưỡng cân bằng, tập luyện hợp lý cũng như tuân thủ theo điều trị của bác sĩ, bệnh đái tháo đường có thể làm giảm chất lượng cuộc sống hoặc gây ra các biến chứng như đột quỵ, nhồi máu cơ tim, suy thận mạn, biến chứng mắt, biến chứng thần kinh, nhiễm trùng vết thương và bệnh lý bàn chân do đái tháo đường…

Hoặc bạn có thể bị các biến chứng cấp tính của đái tháo đường như: hôn mê do lượng đường trong máu tăng quá cao, do rối loạn chuyển hóa các chất trong cơ thể hoặc biến chứng hạ đường huyết…

* Điều trị bệnh đái tháo đường như thế nào?

Tuy bệnh đái tháo đường hiện nay vẫn chưa có phương pháp điều trị dứt điểm, nhưng bạn có thể kiểm soát tốt bệnh đái tháo đường bằng cách tuân thủ điều trị bằng thuốc, áp dụng chế độ dinh dưỡng cân bằng và đầy đủ cùng tập luyện thể dục hợp lý.

* Chế độ ăn hợp lý và cân bằng dành cho người đái tháo đường: chế độ ăn hợp lý phải vừa giúp ổn định đường trong máu vừa đảm bảo dinh dưỡng đầy đủ cho cơ thể hoạt động, giúp ngăn ngừa cảm giác đói và thèm ăn. Chế độ ăn nên bao gồm 45-60% chất bột đường, 10-20% chất đạm như thịt, cá, trứng và 25-35% chất béo. Người bệnh nên chia nhỏ các bữa ăn và khoảng cách giữa các bữa ăn đều đặn trong ngày cũng giúp ổn định đường máu tốt hơn.

Áp dụng lối sống tích cực, tập thể dục hàng ngày- dành 30 phút tập thể dục mỗi ngày, kiểm soát cân nặng, giảm cân khi bạn bị quá cân…

* Biến chứng hạ đường huyết ở bệnh nhân đái tháo đường và cách xử trí:

Hạ đường huyết là một biến chứng khá thường gặp ở người bệnh đái tháo đường. Nếu không được phát hiện và xử trí kịp thời có thể gây nguy hiểm cho tính mạng bệnh nhân. Các triệu chứng để nhận biết hạ đường huyết: đói bụng run tay, đổ mồ hôi, lo lắng, hồi hộp, chóng mặt hoa mắt, tim đập nhanh, mệt mỏi, đau đầu, cáu gắt…Ngay khi phát hiện có các triệu chứng của hạ đường huyết, uống một ly trà đường hoặc ngậm một viên kẹo hoặc ăn một ít bánh ngọt có thể giúp người bệnh ổn định mức đường huyết trở lại và các triệu chứng trên biến mất. Khi đi khám bệnh hãy thông báo cho bác sĩ của bạn biết về cơn hạ đường huyết để được bác sĩ tư vấn và điều chỉnh thuốc. Trong trường hợp hạ đường huyết nặng, bệnh nhân hôn mê, hãy đưa người bệnh đi cấp cứu tại cơ sở y tế gần nhất.

* Cách bảo quản và sử dụng bút tiêm insulin: Bút tiêm insulin sau khi nhận về cần được bảo quản trong ngăn mát của tủ lạnh, tuyệt đối không để trong ngăn đá vì sẽ làm hư thuốc. Khi cần sử dụng bút tiêm, bạn nên lấy bút tiêm ra và để ở nhiệt độ phòng khoảng 10-15 phút để cho nhiệt độ của thuốc về bình thường rồi hãy tiêm thuốc, làm như thế bạn sẽ tránh được tác dụng đau nhức tại chỗ tiêm thuốc do thuốc quá lạnh. Đối với đầu kim gắn vào bút: sau khi sử dụng khoảng 3-4 lần tiêm bạn nên thay đầu kim khác hoặc ngay khi kim bị cong hay biến dạng, tránh trường hợp kim cong hoặc bị nghẹt dẫn đến tiêm không ra thuốc hoặc ra với liều không đúng với chỉ định của bác sĩ.

ThS. Bs Mai Hữu Thạch đã trả lời trực tiếp câu hỏi của người dân đặt ra tại buổi tư vấn

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY


Cấp cứu 24/7

19000115

Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn