loading

19003301

Hotline

19000115

Cấp cứu 24/7

Đái tháo đường

09:26 24/09/2024

Tư vấn chuyên môn bài viết:

- Ths. DS. Nguyễn Thị Phương Thảo - Tổ trưởng dược lâm sàng

- DS. Nguyễn Thị Thảo Nhi - Tổ viên Dược lâm sàng

1. Đái tháo đường là gì?

Bệnh đái tháo đường là bệnh rối loạn chuyển hóa, có đặc điểm do tăng glucose huyết mạn tính do khiếm khuyết về tiết insulin, về tác động của insulin hoặc do cả hai. Tăng glucose mạn tính trong thời gian dài gây nên những rối loạn chuyển hóa carbohydrate, protide, lipide, gây tổn thương ở nhiều cơ quan khác nhau, đặc biệt ở tim và mạch máu, thận, mắt, thần kinh.

2. Phân loại

- Đái tháo đường type 1: do phá hủy tế bào beta tụy, dẫn đến thiếu insulin tuyệt đối.

- Đái tháo đường type 2: do giảm chức năng của tế bào beta tụy tiến triển trên nền tảng đề kháng insulin

- Đái tháo đường thai kỳ: là đái tháo đường được chẩn đoán trong 3 tháng giữa hoặc 3 tháng cuối của thai kỳ và không có bằng chứng về ĐTĐ type 1 hoặc type 2 trước đó.

- Ngoài ra, các loại ĐTĐ đặc biệt do các nguyên nhân khác như ĐTĐ sơ sinh hoặc ĐTĐ do sử dụng thuốc và hóa chất như sử dụng glucocorticoid, điều trị HIV/AIDS hoặc sau cấy ghép mô…

3. Một số nhóm thuốc điều trị đái tháo đường:

3.1. Insulin

Chỉ định

- Insulin được chỉ định chủ yếu cho bệnh nhân đái tháo đường type 1 do tuyến tụy không còn khả năng tao ra insulin, tiêm insulin giúp thay thế sự thiếu hụt insulin do tuyến tụy tạo ra.

- Ngoài ra, insulin cũng được chỉ định trong trường hợp ĐTĐ thai kỳ hoặc các bệnh nhân mắc ĐTĐ type 2 khó kiểm soát được đường huyết.

Các loại insulin được sử dụng bao gồm:

- Insulin tác dụng nhanh ngắn: Insulin aspart (Novorapid), Insulin lispro (Humalog), Insulin Glulisine (Apidra)

- Insulin tác dụng trung bình: Insulin NPH (Insulatard)

- Insulin tác dụng chậm, kéo dài: Insulin glargine U100 (Lantus), Insulin glargine U300 (Toujeo), Insulin Degludec (Tresiba)

Insulin trộn, hỗn hợp:

- Phối hợp giữa Insulin aspart protamine và insulin aspart: Novomix

- Phối hợp giữa Insulin lispro protamine và Insulin lispro: Humalog Mix

- Phối hợp giữa Insulin degludec và Insulin aspart: Ryzodeg.

3.2. Nhóm Biguanide:

- Metformin là thuốc duy nhất trong nhóm còn được sử dụng đến hiện nay, thường được lựa chọn là thuốc khởi đầu điều trị ở bệnh nhân đái tháo đường type 2.

- Metformin có tác dụng làm giảm lượng glucose mà gan sản xuất, khi dùng đơn độc không gây hạ glucose máu, không gây tăng cân, có thể làm giảm nguy cơ tim mạch.

- Thuốc chống chỉ định với những bệnh nhân suy thận (độ lọc cầu thận eGFR <30 ml/phút), suy tim nặng và trong các tình huống giảm lượng máu đến tổ chức (mô) như choáng, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính.

- Các thuốc metformin trên thị trường như: Glucophage, Glucophage XR, Glumeform, Glucofast, Panfor, …

3.3. Sulfonylurea (SU)

- Thuốc có tác dụng làm tăng tiết insulin ở tế bào beta tuyến tụy.

- Khi sử dụng thuốc có tác dụng hạ đường huyết nhanh. Do đó cần lưu ý khi dùng cho những bệnh nhân lớn tuổi do bệnh nhân dễ bỏ ăn, ăn kém và chức năng thận suy giảm. Thuốc được dùng trước ăn 30 phút.

- Tác dụng phụ chính của nhóm thuốc là hạ glucose máu và tăng cân.

- Các thuốc trong nhóm sulfonylurea như: Gliclazid (Diamicron, Staclazide), Glimepirid (Glumerif, Diaprid, Cadglim)

3.4. Glinides

- Thuốc có tác dụng tương tự như SU nhưng tác dụng tăng tiết insulin nhanh nên thường uống trước bữa ăn 15 phút.

- Thuốc cũng làm tăng cân và có nguy cơ hạ đường huyết tuy nhiên thấp hơn ở nhóm sulfonylurea.

- Thuốc được dùng hiện nay: Repaglinide

3.5. Thuốc đồng vận thụ thể GLP-1:

- Thuốc tương tác đặc hiệu với các thụ thể GLP-1 trên tế bào beta tụy, có tác dụng kích thích sự tiết insulin và làm giảm sự tiết glucagon. Đồng thời làm chậm sự làm rỗng dạ dày, giảm cân và giảm cảm giác đói.

- Hiện tại Việt Nam đang lưu hành Liraglutide dạng tiêm dưới da.

3.6. Thuốc ức chế enzyme DPP-4

- Thuốc có tác dụng ức chế hoạt động của men DPP-4, làm tăng GLP-1, làm giảm đường huyết do kích thích tiết insulin và ức chế tiết glucagon.

- Khi dùng đơn độc thuốc không gây hạ đường huyết và không làm thay đổi cân nặng.

- Các thuốc trong nhóm như: Sitagliptin (Sitagil, Sitavia), Vildagliptin (Galvus), Linagliptin (Trajenta, Linatab), Saxagliptin (Onglyza).

3.7. Thuốc ức chế kênh đồng vận chuyển Natri-glucose (SGLT2)

- Nhóm thuốc có tác dụng tăng thải glucose qua đường tiểu và giúp giảm glucose huyết.

- Do cơ chế tác dụng hoàn toàn mới so với các thuốc hạ đường huyết trước đây và hoàn toàn độc lập với insulin. Nên ngoài tác dụng kiểm soát đường huyết, thuốc còn có hiệu quả trong việc làm chậm sự tiến triển của bệnh thận và làm giảm nguy cơ nhập viện hoặc tử vong do suy tim.

- Tác dụng phụ chính là nhiễm khuẩn hoặc nhiễm nấm sinh dục, nhiễm toan ceton, nguy cơ giảm thể tích tuần hoàn, …

- Thuốc ức chế SGLT2 bao gồm: Canagliflozin (Invokana), Dapagliflozin (Forxiga), Empagliflozin (Jardiance).

3.8. Thuốc ức chế enzyme α-glucosidase

- Thuốc cạnh tranh và ức chế tác dụng của enzyme thủy phân đường phức thành đường đơn, do đó làm chậm hấp thu glucose ở ruột. Thuốc chủ yếu giảm đường huyết sau ăn, nên uống thuốc ngay trước ăn hoặc ngay sau miếng ăn đầu tiên.

- Tác dụng phụ của thuốc chủ yếu ở đường tiêu hóa: sình bụng, đầy hơi, đi ngoài phân lỏng, …

- Thuốc hiện có tại Việt Nam là Savi Acarbose (Glucobay, Hasan Bose, Savi acabose)

4. Hướng dẫn sử dụng và bảo quản bút tiêm insulin

4.1. Hướng dẫn sử dụng bút tiêm

Bước 1: Chuẩn bị bút tiêm

- Kiểm tra tên, nồng độ và hạn sử dụng của bút tiêm

- Kéo thẳng để tháo nắp bút,

- Kiểm tra cảm quan của insulin: dung dịch trong suốt, không màu (dạng dung dịch), màu trắng đục (dạng hỗn dịch có thành phần protamine).

- Lăn nhẹ trong lòng bàn tay và dốc ngược lên xuống 10 lần để insulin được trộn đều.

Bước 2: Gắn kim

- Sát khuẩn khu vực đệm cao su và bóc miếng dán bảo vệ ở kim tiêm

- Để kim thẳng hàng với thân bút, xoay theo chiều kim đồng hồ 3-4 vòng để gắn kim tiêm vào bút.

- Tháo 2 nắp kim để sử dụng (giữ lại nắp ngoài để tháo kim tiêm sau khi tiêm).

Bước 3: Đuổi bọt khí

- Xoay bút chọn liều tiêm đến vạch số “2”.

- Giữ bút cho kim hướng lên trên, gõ nhẹ ống thuốc vài lần để bọt khí di chuyển lên đỉnh ống thuốc.

- Nhấn và giữ nút liều xuống hết cỡ để đuổi bọt khí ra ngoài. Kiểm tra xem có giọt insulin ở đầu kim, nếu không thấy thì lặp lại bước này lần nữa.

Bước 4: Chọn liều insulin:

- Kiểm tra đảm bảo đang hiển thị số “0” sau khi đuổi bọt khí

- Xoay vòng theo chiều kim đồng hồ để chọn liều đến khi hiện số đơn vị insulin mà bạn cần theo đúng chỉ định của bác sĩ

- Nếu vặn quá liều cần thiết, bạn có thể xoay ngược lại về đúng đơn vị cần tiêm.

Bước 5: Tiêm insulin

- Có thể tiêm vùng bụng, mông, đùi hoặc cánh tay trên. Trước khi tiêm cần sát khuẩn và để vị trí tiêm khô ráo.

- Tiêm vuông góc vào bề mặt da, nhấn từ từ bút tiêm đến khi cửa số chỉ liều về số “0”.

- Chờ thêm khoảng 6 – 10s sau đó mới rút kim ra để đảm bảo toàn bộ liều được tiêm hết

Bước 6: Sau khi tiêm

- Sau khi tiêm cần phải tháo kim ra để tránh nhiễm khuẩn, lọt khí và rò rỉ thuốc.

- Cẩn thận đậy phần nắp ngoài của kim tiêm, xoay ngược chiều kim đồng hồ cả nắp và kim để loại bỏ kim ra khỏi bút tiêm.

- Đóng nắp bút insulin và bảo quản cho các lần tiêm tiếp theo.

4.2. Bảo quản bút tiêm insulin

- Đối với bút tiêm chưa sử dụng cần được bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh (2-8°C) không được để đông lạnh.

- Đối với bút tiêm đang sử dụng cần được bảo quản ở nhiệt độ phòng (<30°C), cố gắng giữ insulin trong môi trường thoáng mát, không tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời.

5. Hạ đường huyết:

Hạ glucose huyết (hay hạ đường huyết) là biến chứng cấp tính, thường gặp ở bệnh nhân đái tháo đường, là rào cản lớn trong việc kiểm soát đường huyết đạt mục tiêu, kiểm soát chặt cho cả bệnh nhân đái tháo đường type 1 và type 2.

5.1. Triệu chứng

- Đổ mồ hôi hoặc da trở nên lạnh, ẩm ướt

- Run chân tay, cảm thấy đói dữ dội

- Cảm thấy mệt, yếu hoặc bồn chồn

- Tim đập nhanh, lú lẫn hoặc dễ bị kích thích

- Hoa mắt, chóng mặt, choáng váng, đau đầu, mất tập trung

5.2. Xử trí

- Nếu trường hợp các triệu chứng biểu hiện nhẹ hoặc chỉ số đường huyết của bệnh nhân ở mức thấp vừa phải, nên bổ sung các chất chứa đường như uống một cốc nước đường, sữa có đường hoặc kẹo. Sau 15 phút, người bệnh cần kiểm tra lại đường huyết và có thể bổ sung thêm nếu chỉ số vẫn còn thấp đến khi đường huyết về bình thường.

- Trường hợp hạ đường huyết nghiêm trọng kèm co giật, mất ý thức, hôn mê cần ngay lập tức đưa người bệnh đến cơ sở y tế gần nhất hoặc gọi cấp cứu.

6. Biến chứng mạn tính

6.1. Biến chứng mắt đái tháo đường:

- Biến chứng nặng trên mắt là bệnh võng mạc tăng sinh do đái tháo đường. Bệnh có biểu hiện sớm là viêm võng mạc tổn thương nền và sau đó là bệnh võng mạc tăng sinh. Người bệnh có triệu chứng mờ khu trú, bong võng mạc và cuối cùng sẽ mất một phần thị lực hoặc toàn bộ.

- Cần tầm soát biến chứng võng mạc cho người bệnh ĐTĐ type 1 năm năm sau khi được chẩn đoán và cho người bệnh ĐTĐ type 2 ngay thời điểm chẩn đoán. Nếu lần tầm soát đầu tiên cho kết quả bình thường, người bệnh sẽ được tầm soát mỗi 1-2 năm/ lần. Kiểm soát tốt đường huyết và huyết áp giúp ngăn ngừa và làm chậm tiến triển của biến chứng võng mạc.

6.2. Biến chứng thận:

- Biến chứng thận là nguyên nhân chính gây ra suy thận mạn ở người bệnh đái tháo đường. Cần tối ưu và kiểm soát đường huyết để giảm nguy cơ hoặc làm chậm quá trình tiến triển bệnh thận mạn

- Tầm soát biến chứng thận thông qua đánh giá albumin niệu và mức lọc cầu thận ít nhất mỗi năm một lần.

6.3. Biến chứng mạch máu lớn:

- Biến chứng mạch máu lớn liên quan đến xơ vữa động mạch sớm sau đó lan rộng ảnh hưởng đến các mạch máu xa. Biến chứng có thể dẫn tới:

- Ở mạch máu não: gây đột quỵ do xuất huyết não

- Ở tim gây bệnh cơ tim thiếu máu cục bộ, cơn đau thắt ngực, nhồi máu cơ tim.

- Ở mạch máu ngoại vi gây tắc mạch chi và hoại tử chi

6.4. Biến chứng thần kinh:

- Bệnh nhân đái tháo đường cần được đánh giá về bệnh thần kinh ngoại biên tại thời điểm bắt đầu được chẩn đoán đoán ĐTĐ type 2 và 5 năm sau khi chẩn đoán bệnh tiểu đường type 1, sau đó kiểm tra lại ít nhất mỗi năm một lần.

- Kiểm soát đường huyết chặt chẽ được xem là nền tảng của việc phòng ngừa và làm chậm diễn tiến của biến chứng thần kinh do ĐTĐ. Các thuốc giảm đau thần kinh như pregabalin, gabapentin, duloxetine được khuyến cáo để khởi trị các triệu chứng đau do biến chứng thần kinh ĐTĐ.

7. Tuân thủ điều trị:

7.1. Tuân thủ sử dụng thuốc

Bệnh nhân cần tuân thủ theo hướng dẫn của bác sĩ về cách dùng thuốc, liều lượng và thời gian sử dụng.Không được tự ý ngừng thuốc, việc duy trì sử dụng thuốc đều đặn rất quan trọng để kiểm soát đường huyết và ngăn ngừa biến chứng lâu dài.

7.2. Theo dõi đường huyết tại nhà

Việc theo dõi đường huyết tại nhà không chỉ giúp bệnh nhân chủ động trong việc quản lý bệnh mà còn cung cấp thông tin quan trọng để điều chỉnh lối sống hợp lý. Các bước đo đường huyết tại nhà:

- Rửa tay sạch sau đó lau khô tay trước khi đo.

- Chuẩn bị bút lấy máu, kim lấy máu, que test đường huyết, máy đo và bông gòn tẩm cồn.

- Gắn que test vào máy đo đường huyết.

- Gắn kim vào bút lấy máu, lau cạnh ngón tay bằng bông tẩm cồn, ấn xoay đầu kim và ấn lấy máu ở cạnh ngón tay.

- Để cạnh ngón tay có máu lên cạnh khe giữ máu của que test.

- Theo dõi máy hiển thị kết quả và ghi chép lại số liệu

7.3. Chế độ ăn uống

- Hạn chế sử dụng các thực phẩm tăng đường huyết nhanh như: đường kính, mật ong, bánh mỳ, …, tăng cường sử dụng rau xanh.

- Lựa chọn các thực phẩm có ít chất béo bão hòa như: cá, thịt nạc, đậu phụ. Tránh ăn các thức ăn thịt mỡ, nội tạng động vật, các thức ăn chiên rán.

- Nên ăn nhạt tương đối < 5g muối/ngày, hạn chế các thực phẩm chế biến sẵn chứa nhiều muối: dưa muối, cà muối, …

- Nên có chế độ ăn đúng giờ, cân bằng, đầy đủ dinh dưỡng nhưng không quá mức cần thiết, theo nhu cầu cơ thể (tham khảo thêm ý kiến của bác sĩ dinh dưỡng).

7.4. Hoạt động thể lực

- Bệnh nhân nên chọn hình thức hoạt động thể lực phù hợp theo thể trạng. Có thể chia nhỏ thời gian tập thể dục trong ngày.

- Tránh ngồi kéo dài và mỗi 20-30 phút nên đứng dậy đi lại.

7.5. Tái khám định kỳ

Bệnh nhân cần nắm rõ lịch tái khám và tái khám đúng hẹn. Việc thực hiện tốt điều này không chỉ giúp kiểm soát đường huyết mà còn quan trọng trong việc phát hiện sớm các biến chứng của bệnh.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY .


Cấp cứu 24/7

19000115

Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn