loading

19003301

Hotline

19000115

Cấp cứu 24/7

Huyết khối tĩnh mạch sâu - Cơn ác mộng thầm lặng

13:34 04/04/2025

Tư vấn chuyên môn bài viết: BS.CKI Quách Quốc Dương

Bác sĩ chuyên khoa Ngoại lồng ngực - Mạch máu

1. Huyết khối tĩnh mạch sâu

- Huyết khối tĩnh mạch sâu (Deep Vein Thrombosis - DVT) là tình trạng cục máu đông (huyết khối) xuất hiện ở một hoặc nhiều tĩnh mạch sâu trong cơ thể. Cục máu đông có thể chặn một phần hoặc làm tắc hoàn toàn dòng máu đi trong tĩnh mạch. Tĩnh mạch có tác dụng đưa máu từ ngoại biên (phần xa của cơ thể) trở về trung tâm (về tim).

- Bất cứ tĩnh mạch nào trong cơ thể cũng có thể xuất hiện huyết khối, nhưng hầu hết huyết khối tĩnh mạch sâu thường xảy ra ở cẳng chân, đùi hoặc vùng chậu. Một số bộ phận khác có thể bị huyết khối tĩnh mạch sâu như cánh tay, não, ruột, gan hoặc thận.

2. Huyết khối tĩnh mạch sâu có nguy hiểm không?

Huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân

- Mặc dù bản thân huyết khối tĩnh mạch sâu không nguy hiểm đến tính mạng, nhưng cục máu đông có thể bị vỡ ra và di chuyển theo dòng máu về tim. Nếu cục máu đông di chuyển đến các mạch máu trong phổi và gây tắc nghẽn động mạch phổi, sẽ gây ra tình trạng thuyên tắc phổi (Pulmonary embolism). Đây là biến chứng thường gặp kèm theo huyết khối tĩnh mạch sâu nếu không được phát hiện sớm và gây ra tỷ lệ tử vong khá cao nếu không được điều trị kịp thời. Do đó, khi nhận thấy các triệu chứng nghi ngờ huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi, cần nhanh chóng đến bệnh viện thăm khám, chẩn đoán và điều trị ngay.

- Khoảng 1/2 các trường hợp bị huyết khối tĩnh mạch sâu ở chân có triệu chứng đau và sưng chân từng đợt, cơn đau có thể kéo dài hàng tháng đến hàng năm, ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng đời sống của người bệnh.

3. Nguyên nhân và các yếu tố nguy cơ

- Tuổi cao: Huyết khối tĩnh mạch sâu có thể xảy ra ở mọi độ tuổi, tuy nhiên, những người trên 60 tuổi có nguy cơ bị huyết khối tĩnh mạch sâu cao hơn.

- Di truyền: Một số người có những đột biến về gen khiến máu dễ đông lại hơn.

- Ít vận động: Khi không cử động chân trong thời gian dài, cơ bắp chân không hoạt động liên tục khiến dòng máu lưu thông chậm, làm tăng nguy cơ hình thành huyết khối tĩnh mạch sâu.

- Những người làm công việc phải ngồi nhiều, đứng quá lâu hoặc phải nằm viện lâu ngày thường dễ mắc phải.

- Bị hạn chế lưu lượng máu trong tĩnh mạch do chấn thương hoặc phẫu thuật.

- Đang mang thai hoặc sau khi sinh.

- Sử dụng thuốc tránh thai hoặc liệu pháp thay thế hormone, các chế phẩm này làm tăng quá trình đông máu dễ gây huyết khối hơn

- Thừa cân, béo phì làm tăng áp lực lên các tĩnh mạch ở vùng chậu và chân.

- Hút thuốc lá gây viêm toàn thân, làm tăng nguy cơ mắc huyết khối tĩnh mạch sâu.

- Các bệnh lý ác tính, trong đó ung thư là yếu tố làm tăng nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu và làm giảm tuổi thọ của người bệnh.

- Suy tim.

- Tiền sử cá nhân hoặc gia đình mắc huyết khối tĩnh mạch sâu hoặc thuyên tắc phổi.

4. Triệu chứng lâm sàng

- Sưng ở vùng bị ảnh hưởng như một bên chân hoặc tay, đôi khi triệu chứng này xuất hiện đột ngột.

- Đau nhức ở chân hoặc tay, cảm giác đau nhức rõ nhất là khi người bệnh hoạt động như đứng lâu hoặc đi lại.

- Vùng da bị huyết khối tĩnh mạch sâu bị thay đổi màu, cảm giác ấm nóng hơn so với bình thường.

- Phù ở phần xa như mắt cá chân.

- Các tĩnh mạch gần bề mặt da của vị trí bị huyết khối tĩnh mạch nổi đậm hơn và lớn hơn bình thường.

- Khi cục máu đông ở các tĩnh mạch sâu trong bụng, có thể có triệu chứng đau bụng.

- Nhức đầu dữ dội (thường khởi phát đột ngột), co giật khi cục máu đông hình thành ở tĩnh mạch não.

- Một số người không biết mình bị huyết khối tĩnh mạch sâu cho đến khi cục máu đông di chuyển từ chân hoặc tay và đi đến phổi gây thuyên tắc phổi. Khi đó, người bệnh có thể gặp các triệu chứng nguy kịch như đau ngực dữ dội, khó thở, ho ra máu, choáng váng và ngất.

5. Cận lâm sàng chẩn đoán

- Siêu âm doppler tĩnh mạch:

+ Siêu âm Doppler tĩnh mạch là xét nghiệm phổ biến và tiện lợi nhất để chẩn đoán nhanh huyết khối tĩnh mạch sâu vì đây là phương pháp không xâm lấn và được áp dụng rộng rãi. Phương pháp này sử dụng sóng siêu âm để đánh giá lưu lượng máu và cục máu đông trong tĩnh mạch.

+ Bác sĩ siêu âm đè vào tĩnh mạch mà tĩnh mạch không xẹp nghĩa là có cục máu đông, nếu đè xẹp hoàn toàn chứng tỏ tĩnh mạch bình thường. Nếu kết quả siêu âm không rõ ràng, bác sĩ có thể chỉ định thực hiện các xét nghiệm hình ảnh khác để đưa ra chẩn đoán chính xác.

- Chụp cắt lớp vi tính (CLVT) mạch máu chi thì tĩnh mạch:

+ Chụp CLVT cung cấp hình ảnh ba chiều, giúp bác sĩ có cái nhìn chi tiết và rõ ràng hơn về tĩnh mạch.

+ Kết quả chụp CT có thể giúp bác sĩ xác định vị trí, kích thước, đặc điểm của các tình trạng bệnh liên quan như khối u, sự chảy máu, chấn thương, nhiễm trùng.

+ Trong thuyên tắc động mạch phổi, chụp CT có hiệu quả chẩn đoán cao.

- Chụp MRI:

+ Chụp MRI giúp bác sĩ nhìn thấy rõ hình ảnh các cơ quan và cấu trúc bên trong cơ thể.

+ Hiện nay kỹ thuật này ít được sử dụng trong khảo sát tĩnh mạch.

- Chụp tĩnh mạch xóa nền:

+ Chụp tĩnh mạch xóa nền là phương pháp chẩn đoán huyết khối tĩnh mạch sâu xâm lấn. Bác sĩ sẽ làm tê da cổ hoặc háng người bệnh và sử dụng ống thông để tiêm chất tương phản vào tĩnh mạch. Thông qua đó, có thể biết được có cục máu đông nào chặn một phần hoặc hoàn toàn lưu lượng máu bên trong tĩnh mạch hay không.

+ Cùng lúc đó, có thể sử dụng các thiết bị để hút hoặc làm tiêu cục máu đông, giúp tái thông một phần hoặc hoàn toàn lòng động mạch. Chụp và can thiệp tĩnh mạch đang được ứng dụng rộng rãi trong điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu, giảm thiểu nguy cơ biến chứng lâu dài về sau.

6. Điều trị

Mục tiêu của việc điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu là ngăn ngừa cục huyết khối lan rộng và lớn hơn, ngăn ngừa huyết khối lớn vỡ ra và di chuyển đến phổi. Đồng thời, giảm nguy cơ xuất hiện hội chứng hậu huyết khối và giảm nguy cơ huyết khối tĩnh mạch sâu trong tương lai.

Các phương pháp điều trị huyết khối tĩnh mạch sâu bao gồm:

- Dùng thuốc: Thuốc chống đông máu làm cho máu khó đông hơn, ngăn chặn hình thành cục máu đông mới, và ngăn cục máu đông di chuyển. Một số loại thuốc chống đông máu có thể được chỉ định như warfarin, heparin, thuốc kháng đông đường uống thế hệ mới…

- Mang vớ áp lực tĩnh mạch: Giúp ngăn máu tụ lại ở chân và giảm sưng chân, giúp dòng máu lưu thông tốt hơn, giảm đáng kể triệu chứng.

- Đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ: Áp dụng trong tường hợp người bệnh không thể dùng thuốc chống đông máu do nguy cơ dễ chảy máu cao, bác sĩ sẽ chỉ định đặt lưới lọc tĩnh mạch chủ để ngăn chặn các cục máu đông vỡ ra trôi về tim đi lên động mạch phổi.

- Chụp tĩnh mạch xóa nền: Lấy máu đông hoặc truyền tiêu sợi huyết để làm loại bỏ gần như hoàn toàn các cục máu đông đó.

- Trước đây, điều trị nội khoa vẫn là lựa chọn ưu tiên, tuy nhiên cục máu đông vẫn còn tồn tại trong cơ thể nên người bệnh đối mặt với nguy cơ của hội chứng hậu huyết khối, ngày nay với các kỹ thuật và dụng cụ can thiệp nội mạch hiện đại, người bệnh mắc huyết khối tĩnh mạch sâu có thể tiếp cận với các biện pháp điều trị tối ưu, hiệu quả về lâu dài.

7. Phòng ngừa huyết khối tĩnh mạch sâu

- Chế độ ăn uống đảm bảo đầy đủ dinh dưỡng.

- Vận động sớm theo khả năng của người bệnh, tránh nằm bất động lâu.

- Mang vớ áp lực tĩnh mạch để hỗ trợ máu lưu thông tốt, giúp ngăn ngừa cục máu đông ở chân.

- Sử dụng thuốc đúng theo chỉ định của bác sĩ.

- Tái khám theo lịch hẹn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY


Cấp cứu 24/7

19000115

Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn