loading

19003301

Hotline

19000115

Cấp cứu 24/7

15 dấu hiệu cảnh báo ung thư nên biết

08:52 28/08/2020

Việt Nam là một trong những nước có tỷ lệ tử vong vì bệnh ung thư cao hàng đầu châu Á. Đáng lưu ý khi tỉ lệ di căn dẫn đến tử vong ở những người phát hiện bệnh ở giai đoạn cuối lên đến 80 - 90%. Hãy cùng tìm hiểu những dấu hiệu sớm của ung thư trong bài viết dưới đây của Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu, từ đó chủ động phòng ngừa hoặc điều trị bệnh sớm.

Ung thư là gì?

Ở người khỏe mạnh, các tế bào phát triển và phân chia để hình thành các tế bào mới. Khi các tế bào lão hóa hoặc hư hỏng, chúng sẽ chết đi và biến mất. Tuy nhiên có những tế bào bất thường vẫn tồn tại không cần thiết và phân chia, tăng nhanh không kiểm soát và lan vào các mô xung quanh, tạo thành khối u. Có 2 loại khối u:

Khối u lành tính: không ảnh hưởng hoặc di căn đến các cơ quan khác. Hầu hết khối u lành tính không đáng lo nhưng có một số khối u xuất hiện gần mạch máu hoặc dây thần kinh có thể gây nguy hiểm. Một số khối u lành tính thường thấy như u xơ tử cung, u tuyến, u xương sụn,...
Khối u ác tính: có khả năng di căn lên các cơ quan khác và phát triển nhanh hơn so với khối u lành tính. Đây chính là khối u được gọi là ung thư. Một số khối u ác tính phổ biến như ung thư phổi, ung thư gan, ung thư cổ tử cung,...

Nguyên nhân nào gây ra ung thư?

Qua nhiều thập kỷ, các nhà nghiên cứu đã phát hiện ra nhiều nguyên nhân gây bệnh ung thư (khối u ác tính) khác nhau. Những nguyên nhân này có thể trực tiếp hay gián tiếp gây ra bệnh, góp phần thúc đẩy các tế bào ung thư phát triển. Cụ thể có 4 nguyên nhân chính sau:

1. Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh là nguyên nhân hàng đầu làm phát triển các tế bào bệnh ung thư trong cơ thể.
- Hút thuốc lá: Là nguyên nhân gây ra 80% các trường hợp tử vong do ung thư phổi. Hút thuốc lá còn gây ra các bệnh ung thư như ung thư thanh quản, ung thư thực quản, ung thư bàng quang,...
- Không bảo vệ da: Tia UV từ ánh nắng mặt trời là nguyên nhân phổ biến gây ra bệnh ung thư da.
- Chế độ ăn uống: Thói quen ăn uống không lành mạnh là nguyên nhân lớn góp phần làm phát triển bệnh ung thư. Một số loại thực phẩm cần tránh như thức ăn nhanh (gà rán, khoai tây chiên,...), nước ngọt có ga, thức ăn đóng hộp, thức ăn chứa nhiều đường tinh chế (bánh ngọt,...), thức ăn cháy khét, ngũ cốc bị hư mốc...
- Thức uống có cồn: Các loại thức uống có cồn như bia, rượu có khả năng phá hủy tế bào, ảnh hưởng đến các hormon, làm giảm khả năng hấp thu folate trong cơ thể,... dẫn đến các bệnh ung thư như ung thư gan, ung thư vú, ung thư tuyến tụy,...

Thói quen sinh hoạt không lành mạnh

2. Ảnh hưởng hóa chất trong môi trường

Các loại hóa chất trong sinh hoạt hàng ngày hoặc môi trường làm việc sẽ dẫn đến nguy cơ bệnh ung thư. Ví dụ:

- Arsenic: Là nguyên tố tự nhiên có độc tính cao, có thể nhiễm vào trong đất, nước, không khí. Nhiều ngành công nghiệp sử dụng arsenic và các hợp chất chứa nó trong việc bảo quản các sản phẩm như gỗ, thủy tinh,... Vì vậy, những người làm trong môi trường liên quan đến arsenic có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư.
- Formaldehyd: Được dùng trong sản xuất nguyên vật liệu xây dựng, gỗ ép, keo, chất khử trùng công nghiệp,... là một trong những chất có khả năng gây ung thư. Nhiều nghiên cứu cho thấy loại hóa chất này gây bệnh ung thư vòm họng trực tiếp lên người.
- Nicotine: Là thành phần phổ biến trong khói thuốc lá và nhiều nhà nghiên cứu cho rằng đây là nguyên nhân đẩy nhanh sự phát triển của tế bào ung thư trong ung thư phổi, ung thư vú, ung thư đại tràng,...
- BPA (Bisphenol A): Loại hóa chất công nghiệp thường được dùng trong sản xuất các sản phẩm nhựa như bình nước, hộp đựng đồ ăn,... Đây là loại hóa chất gây ra rối loạn nội tiết tố làm ảnh hưởng đến estrogen và các hormone trong cơ thể dẫn đến bệnh ung thư vú.
- Khí thải diesel: Diesel là loại nhiên liệu có nguồn gốc từ dầu thô được sử dụng nhiều trong các phương tiện vận tải như xe buýt, xe tải, xe lửa, tàu thủy,... Khí thải từ các loại phương tiện này thường chứa carbon dioxide, nitơ dioxide và các chất độc hại ảnh hưởng đến hệ hô hấp của con người gây ra ung thư phổi.

3. Ung thư do mắc phải các loại virus và vi khuẩn gây bệnh

Virus có thể là nguyên nhân trực tiếp hoặc gián tiếp gây ra bệnh ung thư. Một số loại virus gây tác động trực tiếp đến DNA để gây bệnh. Ngoài ra, một số loại virus như HBV, HCV gây ra viêm gan nếu để lâu dài sẽ dẫn đến ung thư gan.

Ung thư do mắc phải các loại virus và vi khuẩn gây bệnh

Các loại virus có thể gây ung thư:

- HBV, HCV: Là virus gây bệnh viêm gan, nhiễm trùng gan và ung thư gan. Các loại virus này dễ lây truyền qua việc sử dụng chung kim tiêm, quan hệ tình dục không an toàn và tiếp xúc với máu của người nhiễm.
- HPV: Là nhóm virus gây ra bệnh ung thư cổ tử cung được lây nhiễm qua đường tình dục.
- Herpesvirus: Là virus gây ra KSHV (một loại ung thư mạch máu ác tính) lây qua đường quan hệ tình dục, máu và nước bọt.

4. Gen di truyền

Gen là một đoạn của phân tử axit nucleic (ADN hoặc ARN) quy định các thuộc tính di truyền. Các thể hệ trước trong gia đình có thể vì nhiều nguyên nhân khác nhau làm đột biến gen di truyền gây ra bệnh ung thư thế hệ sau. Các dấu hiệu ung thư sẽ xuất hiện khá sớm ở người mắc bệnh do di truyền.

Các dấu hiệu ung thư

1. Ho dai dẳng, ho ra máu: Dấu hiệu nhận biết ung thư phổi hay ung thư đầu cổ có thể nhầm lẫn với các bệnh nhiễm trùng đường hô hấp.

2. Khàn tiếng: Khàn tiếng được xác định không do viêm nhiễm đường hô hấp hoặc kéo dài hơn 3 - 4 tuần. Nó có thể dẫn đến ung thư vòm họng, ung thư thanh quản.

3. Rối loạn tiêu hóa kéo dài: Thức ăn và nước uống có thể ảnh hưởng đến hệ tiêu hóa. Tuy nhiên, nếu các triệu chứng rối loạn tiêu hóa kéo dài như: táo bón, tiêu chảy, phân dẹp, bụng đau âm ỉ sau khi đi tiểu,… nhưng không do thực phẩm.

4. Tiểu tiện bất thường: Các triệu chứng bất thường như đi tiểu thường xuyên, tiểu lắt nhắt, tiểu ra máu, bí tiểu, lưu lượng nước tiểu yếu hoặc thay đổi chung về chức năng co thắt bàng quang có thể dấu hiệu của bệnh ung thư đường tiết niệu.

5. Thiếu máu không rõ nguyên nhân: Phần lớn lý do gây thiếu máu do mất máu, đặc biệt trong bệnh lý ung thư, mất máu thường gặp nhất qua đường tiêu hóa (ung thư đại tràng, ung thư dạ dày).

6. Khối u bất thường ở vú hoặc núm vú tiết dịch: hầu hết các khối u vú là khối u lành tính như u xơ hoặc nang. Nhưng tất cả các khối u vú cần phải được kiểm tra định kỳ đề phòng khả năng tiến triển thành ung thư.

7. Khối u bất thường trên cơ thể: Các khối u tồn tại dai dẳng hoặc sưng trên 4 tuần.

8. Tinh hoàn to bất thường: Ung thư tinh hoàn được nhận biết bằng sự xuất hiện một khối bất thường ở tinh hoàn, hay tinh hoàn sung to. Trong đó, 90% các trường hợp không đau vùng tinh hoàn lại có phát hiện bất thường.

9. Xuất hiện nốt ruồi, mụn cóc bất thường: Những thay đổi rõ ràng trong mụn cóc hoặc nốt ruồi như màu sắc không đồng nhất, ngày càng phát triển về kích thước, có bờ không đều hoặc chảy máu có thể là dấu hiệu ung thư da.

10. Khó tiêu, khó nuốt: Cảm giác khó nuốt tăng dần dù là thức ăn lỏng có thể là dấu hiệu cảnh báo ung thư thực quản. Ngoài ra, các triệu chứng như khó tiêu, ợ nóng, ợ chua, ợ hơi kéo dài mặc dù sử dụng thuốc kháng axit cần được nội soi tiêu hóa trên nhằm kiểm tra và loại trừ khả năng ung thư thực quản, dạ dày.

11. Xuất huyết âm đạo bất thường: Như xuất huyết từ đường âm đạo sau mãn kinh, hoặc giữa chu kỳ kinh nguyệt bình thường và trong giao hợp có thể là dấu hiệu của ung thư cổ tử cung hoặc tử cung.

12. Cảm giác khó chịu tầng sinh môn, âm hộ dai dẳng: Cảm thấy ngứa, rát, nóng, châm chích…vùng tầng sinh môn, quanh hậu môn cùng dấu hiệu biến đổi màu sắc da (viêm đỏ, mảng trắng, mảng loét…) là cảnh báo ung thư âm hộ hoặc ống hậu môn.

13. Vết thương không lành: Các vết loét trên da, trong niêm mạc má, lưỡi…, kéo dài nhiều tuần là dấu hiệu ung thư biểu mô dễ gây nhầm lẫn với biến chứng bệnh lý đái tháo đường.

14. Đau đầu: Đây là triệu chứng rất thường gặp trong đời sống hằng ngày của con người. Tuy nhiên, bạn cần cẩn trọng nếu triệu chứng đau đầu dai dẳng, dữ dội, không thuyên giảm khi dùng thuốc giảm đau, kèm theo nhìn mờ, buồn nôn hoặc nôn.

15. Một số triệu chứng bất thường khác: Sụt cân không rõ nguyên nhân, sốt nhẹ về chiều tối, mệt mỏi, biếng ăn, mất ngủ hoặc ngủ li bì... cũng có thể là dấu hiệu của các bệnh ung thư.

Điều cần lưu ý, nếu các triệu chứng bất thường không thuyên giảm sau 3-4 tuần, bạn nên đến gặp bác sĩ ngay để được chẩn đoán đúng bệnh và chữa trị kịp thời. Tuy nhiên, những triệu chứng và dấu hiệu nhận biết này có thể gây nhầm lẫn với các bệnh khác, vì vậy, người bệnh cần có sự tư vấn của bác sĩ khi có những dấu hiệu bất thường.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY


Cấp cứu 24/7

19000115

Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn