Trẻ biếng ăn là tình trạng khá phổ biến hiện nay, nhất là các bé trong khoảng từ 1 đến 6 tuổi. Nếu ba mẹ không sớm khắc phục có thể làm trẻ bị suy dinh dưỡng , ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất và trí tuệ. Vậy đâu là nguyên nhân khiến trẻ biếng ăn ? Trong bài viết này, Bệnh viện Thanh Vũ Medic Bạc Liêu sẽ giúp ba mẹ giải đáp câu hỏi này cũng như “mách nhỏ” cách giúp trẻ ăn ngon hơn. Tìm hiểu ngay nào!
Biếng ăn là hội chứng rối loạn dinh dưỡng thường gặp ở trẻ từ 1 đến 6 tuổi. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng trẻ biếng ăn nhưng có thể chia làm 2 nhóm chính sau:
Biếng ăn sinh lý
Lúc bước vào giai đoạn biết lật, biết ngồi biết bò, biết đi hay mọc răng, học nói,... cũng là lúc trẻ biếng ăn . Ngay cả khi khỏe mạnh, trẻ cũng có những khoảng thời gian ăn ít hẳn trong vài ngày hoặc vài tuần nhưng vẫn vui chơi như bình thường. Tình trạng này thường gặp ở trẻ từ 3 – 4 tháng, 9 - 12 tháng, 16 – 18 tháng,... Đây là những giai đoạn trẻ đang mải khám phá của cơ thể, học và ghi nhớ những kỹ năng mới nên không chú ý tới việc ăn uống. Ba mẹ không nên quá lo lắng bởi sau đó trẻ sẽ ăn uống bình thường trở lại.
Ngoài ra, sau 1 tuổi, tốc độ tăng trưởng của trẻ sẽ giảm dần, dẫn đến lượng thức ăn cần nạp vào cơ thể của bé cũng giảm theo. Đây được gọi là biếng ăn sinh lý và lúc này trẻ vẫn hoàn toàn bình thường.
Biếng ăn bệnh lý
- Rối loạn tiêu hóa: Khi bị rối loạn tiêu hóa, trẻ thường gặp các triệu chứng: đau bụng, tiêu chảy, nôn hay táo bón,... và khiến trẻ biếng ăn, chậm lớn. Bệnh này xuất phát từ tình trạng rối loạn co bóp, tiết dịch trong dạ dày hay loạn khuẩn đường ruột.
- Trẻ gặp khó khăn khi nhai và nuốt: Khi mọc răng hay bị các bệnh như viêm amidan, nấm lưỡi, sưng lợi hoặc viêm tuyến nước bọt, trẻ thường biếng ăn do bị đau, khó chịu khi nhai, nuốt.
- Nhiễm trùng: Hệ miễn dịch của trẻ em còn yếu, chưa hoàn thiện nên dễ bị ảnh hưởng của các tác nhân gây bệnh như virus, vi khuẩn. Khi đó, một lượng lớn hàm lượng các vitamin và khoáng chất sẽ bị hao hụt, nhất là vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C, sắt, kẽm, magie,... và làm trẻ biếng ăn. Bên cạnh đó, trẻ bị nhiễm khuẩn thường phải điều trị kháng sinh, dễ gây loạn khuẩn đường ruột, đầy bụng, khó tiêu và chán ăn.
- Nhiễm ký sinh trùng: Trẻ bị nhiễm giun, sán cũng thường chán ăn, người gầy gò, bụng to do không hấp thụ được chất dinh dưỡng.
Không ép trẻ ăn
Nhiều ba mẹ vì lo
trẻ biếng ăn
mà thường thúc ép, bắt trẻ ăn theo ý mình. Tuy nhiên, trẻ em thường mè nheo không chịu ăn là do chưa thực sự đói. Hãy thử không liên tục ép bé ăn trong vài ngày và đợi đến khi tự bé phải nhắc ba mẹ về bữa ăn. Ngoài ra, ba mẹ có thể chú ý theo dõi và tìm hiểu về “thời gian biểu đói bụng” của bé. Khi đã biết được, hãy cho bé ăn vào những khung giờ cố định như vậy để không phải tốn thời gian ép bé ăn.
Bên cạnh đó, đừng ép trẻ ăn món không thích, có thể khiến tình trạng trẻ biếng ăn nặng hơn. Thay vì bắt trẻ phải ăn thịt, ba mẹ có thể cho bé ăn trứng, cá hoặc giò chả, xúc xích. Nếu bé sợ rau, thì hãy cho bé ăn trái cây hay uống nước ép để bổ sung chất xơ.
Không tạo cảm giác áp lực cho bé
Ba mẹ đừng bao giờ tạo áp lực bé phải ăn nhiều, ăn hết mọi thứ trong khẩu phần ăn. Nếu bé nói rằng bé đã no, đừng ép trẻ ăn hết.. Bên canh đó, ba mẹ cũng cần quan tâm đến không khí của bữa ăn. Sự vội vã, lộn xộn, hay những lời to tiếng sẽ làm bữa ăn mất ngon, lâu dần sẽ làm trẻ biếng ăn. Hãy cho bé cùng ngồi ăn trong bữa cơm gia đình, đồng thời kể những câu chuyện ngộ nghĩnh, vui vẻ. Đảm bảo là trẻ vừa ăn vừa thích thú nghe chuyện mà không cần phải thúc ép gì cả.
Để kích thích cảm giác muốn ăn, ba mẹ hãy cố gắng trang trí phần ăn của bé với những màu sắc ngon miệng. Có thể kết hợp những súp lơ trắng với cà rốt tỉa hoa cùng ớt chuông vàng, cà chua đỏ tươi để tạo thành món salad thập cẩm.
Với biếng ăn sinh lý
Để cải thiện tình trạng trẻ biếng ăn sinh lý, ba mẹ có thể cho trẻ ăn từng ít một với nhiều món ăn trong bữa chính. Nếu như trẻ ăn ít trong các bữa chính thì ba mẹ hãy chia thành nhiều bữa nhỏ cho bé ăn trong ngày. Đồng thời, ưu tiên những thức ăn mà trẻ yêu thích, lạ miệng, dễ nuốt,...
Do biếng ăn sinh lý là điều tất yếu trong quá trình phát triển của trẻ nên ba mẹ cần hạn chế ép ăn quá mức vì có thể làm trẻ biếng ăn hơn. Thậm chí là chuyển thành biếng ăn tâm lý. Nếu sau 2-3 tuần mà tình trạng không được cải thiện, trẻ bị sụt cân hoặc đứng cân thì ba mẹ nên đưa bé đi thăm khám chuyên khoa nhi hoặc khám dinh dưỡng cho bé để được tư vấn, điều trị kịp thời.
Với biếng ăn bệnh lý
Khi mắc bệnh, trẻ thường mệt mỏi, đau nhức dẫn tới biếng ăn. Điều này dẫn tới sự thiếu hụt về dinh dưỡng, làm trẻ gầy yếu, xanh xao và phát triển chậm hơn các bạn cùng tuổi. Vì vậy, ba mẹ cần quan tâm tới việc đảm bảo nguồn dinh dưỡng đầy đủ trong khẩu phần ăn hằng ngày. Từ đó mới có thể phục hồi thể lực và tăng sức đề kháng cho bé. Dưới đây là một số phương pháp có thể áp dụng để khắc phục tình trạng trẻ biếng ăn bệnh lý:
- Chế biến và trang trí món ăn hấp dẫn hơn để kích thích sự thèm ăn của trẻ.
- Thiết lập khẩu phần ăn cho bé đầy đủ 4 nhóm chất: đạm, tinh bột, chất béo, vitamin và khoáng chất.
- Trong thời gian điều trị bệnh nhiễm khuẩn, cần bổ sung thêm vitamin A, vitamin nhóm B, vitamin C và các khoáng chất như magie, kẽm để tăng sức đề kháng.
- Không lạm dụng kháng sinh để hạn chế rối loạn tiêu hóa, khiến trẻ biếng ăn do bị chướng bụng, khó tiêu.
- Tạo không khí bữa ăn đầm ấm, vui vẻ, thoải mái để trẻ ăn ngon miệng hơn.
Trẻ biếng ăn tuy có thể không nghiêm trọng như các vấn đề sức khỏe khác nhưng về lâu dài sẽ làm trẻ suy dinh dưỡng, thấp còi, kém về thể lực và trí tuệ. Đặc biệt, nếu là biếng ăn bệnh lý cần phát hiện sớm và thăm khám, điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng đến sự phát triển của bé. Hy vọng những thông tin trên đây thực sự có ích cho các ba mẹ
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY