loading

19003301

Hotline

19000115

Cấp cứu 24/7

Viêm khớp tự miễn

11:06 14/09/2024

Tư vấn chuyên môn bài viết: BS.CKI Trương Thanh Nhã

Bác sĩ chuyên khoa Nội tổng hợp

Đại cương: Bệnh tự miễn là một trong những nguyên nhân hàng đầu dẫn đến tàn phế và tử vong, bệnh tác động đến nhiều cơ quan của cơ thể dẫn đến đau nhức cứng khớp và hạn chế vận động. Bệnh có mức độ nguy hiểm xếp thứ ba trên thế giới chỉ sau bệnh lý tim mạch và ung thư, bệnh khó điều trị dứt điểm tuy nhiên nếu được phát hiện sớm và điều trị kịp thời đúng cách, bệnh có thể khắc phục được, ngăn ngừa các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tự miễn là gì ? bệnh tự miễn là những bệnh lý xảy ra do hệ miễn dịch cơ thể mất đi khả năng nhận biết và phân biệt các kháng nguyên của cơ thể với các tác nhân gây hại bên ngoài. Do vậy, các kháng nguyên trong cơ thể nhầm lẫn và tấn công chính các cơ quan trong cơ thể, trong khi các virus vi khuẩn có hại xâm nhập vào cơ thể lại không được ngăn chặn, tấn công và gây tổn thương các cơ quan.

Viêm khớp do bệnh lý tự miễn là nhóm các bệnh ở hệ thống xương khớp có liên quan đến sự phản ứng quá mức của hệ miễn dịch trong cơ thể. Bệnh có thể gặp ở nhiều lứa tuổi nhưng thường gặp nhất ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi. Viêm khớp tự miễn tiến triển theo từng đợt với các cấp độ từ đơn giản đến phức tạp gây biến chứng nguy hiểm nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời.

Triệu chứng thường gặp: có thể khác nhau ở mỗi bệnh nhân tuy nhiên một số triệu chứng lâm sàng thường gặp nhất là: giai đoạn đầu có thể có mệt mỏi kéo dài không rõ nguyên nhân, giai đoạn toàn phát sốt dai dẳng đau mỏi toàn thân, đau đầu, đau các khớp xương, đau cơ, sưng nóng ở các khớp, tràn dịch khớp. Nếu không được can thiệp điều trị kịp thời các triệu chứng bệnh tự miễn ngày càng trở nên phức tạp hơn, nhiều trường hợp xương khớp biến dạng cong vẹo hoặc phì đại ảnh hưởng đến khả năng cầm nắm và đi lại của người bệnh thậm chí có nguy cơ tàn phế suốt đời.

Các loại viêm khớp do bệnh tự miễn có hơn 80 bệnh lý trong đó 7 bệnh lý thường gặp nhất là:

1. Viêm khớp dạng thấp: viêm khớp dạng thấp còn được gọi là viêm đa khớp dạng thấp là bệnh lý tự miễn xảy ra do sự rối loạn hoạt động của hệ miễn dịch trong cơ thể, bệnh gây sưng đau nhiều khớp bàn tay, cổ tay, khuỷu gối, cổ chân, bàn chân 2 bên. Bệnh không chỉ phá hủy các tế bào gây tổn thương hệ khớp mà còn có nguy cơ tác động đến nhiều cơ quan khác trong cơ thể như: mắt, tim, phổi, da và các mạch máu. Thống kê cho thấy cứ 100 người ở độ tuổi trưởng thành 20 đến 40 tuổi thì có 1 đến 5 người mắc bệnh lý viêm khớp dạng thấp. Tỷ lệ bệnh xảy ra ở nữ giới cao gấp 2 đến 3 lần nam giới. Bệnh tiến triển phức tạp, nguy cơ dẫn đến nhiều biến chứng nguy hiểm và để lại hệ quả nặng nề như: hạn chế khả năng vận động thậm chí là tàn phế suốt đời nếu không được can thiệp kịp thời.

2. Viêm cột sống dính khớp : viêm cột sống dính khớp là tình trạng viêm xảy ra ở vị trí mối nối giữa các đốt của cột sống, cột sống lưng hoặc xương chậu của người bệnh. Một vài trường hợp ghi nhận tình trạng viêm còn diễn ra ở các vị trí như khớp cổ, cổ tay, cổ chân. Thống kê cho thấy khoảng 90-95% ca viêm cột sống dính khớp xảy ra ở nam giới, 80% ở nam giới dưới 30 tuổi. Các triệu chứng ban đầu của bệnh là đau vùng hông, đau vùng thần kinh tọa, viêm gân, đau cột sống thắt lưng. Nếu không được điều trị sớm và đúng cách khi các khớp cột sống dính với khớp ngoại biên, người bệnh có nguy cơ gù vẹo mất khả năng vận động và nguy cơ tàn phế suốt đời.

3. Viêm khớp phản ứng: viêm khớp phản ứng còn gọi là viêm khớp vô khuẩn, là tình trạng viêm khớp xảy ra sau nhiễm khuẩn hoặc nhiễm trùng, thường là ở các cơ quan tiết niệu, tiêu hóa hoặc sinh dục. Các triệu chứng viêm có thể xuất hiện ở một hoặc nhiều khớp, thường gặp ở các khớp lớn như 2 chi dưới, cột sống vùng xương chậu, gân dây chằng. Bệnh phổ biến ở độ tuổi từ 20 đến 40 tuổi, thường gặp ở người trẻ và đặc biệt là ở nam giới, ít gặp ở người lớn tuổi. Hầu hết các trường hợp mắc viêm khớp phản ứng đều được tiên lượng tốt, bệnh nhân sớm hồi phục sau vài tuần hoặc vài tháng nếu can thiệp điều trị kịp thời. Tuy nhiên bệnh vẫn có nguy cơ tái phát nếu không có biện pháp chăm sóc sau điều trị đúng cách.

4. Viêm khớp vảy nến : viêm khớp vảy nến là bệnh lý viêm mãn tính có liên quan đến căn bệnh vảy nến với 10 -30% trường hợp viêm khớp xảy ra trên bệnh nhân mắc bệnh vảy nến, 80% trường hợp xuất hiện sau các tổn thương vảy nến, 15% trường hợp xuất hiện cùng lúc các tổn thương vảy nến và 10% trường hợp xuất hiện trước khi có những tổn thương ban đầu ở da. Nằm trong nhóm bệnh tự miễn hệ thống, viêm khớp vảy nến tác động đến hầu hết các cơ quan trong cơ thể ở hệ xương khớp. Bệnh gây triệu chứng đau nhức xơ cứng và sưng phù ở khớp, hạn chế vận động và di chuyển của người bệnh. Một số trường hợp người bệnh gặp tình trạng ngón chân và ngón tay sưng lên có hình dạng xúc xích.

5. Lupus ban đỏ hệ thống: lupus ban đỏ hệ thống là một bệnh lý từ miễn mãn tính có thể xảy ra ở nhiều cơ quan trong cơ thể trong đó có hệ cơ xương khớp. Một số điểm đặc trưng của SLE gồm chủ yếu gặp ở nữ giới, tiến triển khác nhau ở mỗi người bệnh từ đơn giản đến phức tạp: người bệnh cảm thấy mệt mỏi, sút cân, sốt dai dẳng không thuyên giảm mà không rõ nguyên nhân. Các triệu chứng của SLE khá đa dạng nhìn chung người bệnh sẽ nổi ban ở mặt, thân mình, ban nhạy cảm với ánh nắng, đau mỏi nhiều khớp, rụng tóc. Lupus ban đỏ hệ thống là bệnh lý do tự kháng thể trong cơ thể gây ra do đó để chẩn đoán chính xác tình trạng bệnh không chỉ dựa vào triệu chứng lâm sàng hoặc kết quả xét nghiệm huyết thanh đơn độc. Việc chẩn đoán bệnh cần được tiến hành tại các cơ sở y tế lớn, uy tín, được trực tiếp thực hiện bởi đội ngũ bác sĩ giàu kinh nghiệm cùng sự hỗ trợ của máy móc trang thiết bị hiện đại.

6. Xơ cứng bì : thuộc nhóm bệnh lý tự miễn hiếm gặp đặc trưng bởi quá trình tăng sinh và lắng đọng của các chất tạo keo ở da thành mạch máu và các cơ quan khác trong cơ thể. Biểu hiện lâm sàng gồm da dày, xơ cứng bộ mặt, vô cảm, hội chứng Raynaud, bệnh nhân thấy tê buốt các đầu ngón tay khi gặp lạnh, bàn tay có thể thay đổi màu sắc trắng bệch, đỏ, tím, đau nhức rồi trở về bình thường, rét hoại tử đầu chi, khó nuốt, khó thở. Đối với hệ cơ xương khớp bệnh nhân xơ cứng bì gặp phải tình trạng căng cứng các vùng khớp quanh hàm ngón tay, cổ tay gây khó vận động các cơ bị co ngắn và yếu dần khó kéo giãn.

7 . Gút: Cơn gút cấp là bệnh lý mà ở đó hiện tượng viêm xảy ra do lắng đọng các tinh thể natri urat vào khớp và làm khớp trở nên sưng nóng đỏ đau trong nhiều giờ. Nguyên nhân cơ bản của bệnh là do tăng axit u rít trong máu dẫn đến hình thành các tinh thể sắc nhọn như kim ở những nơi dòng máu chảy chậm như tại các khớp hay các ống thận, dần dần những cơn gút cấp lặp đi lặp lại có thể gây phá hủy mô khớp dẫn đến viêm khớp.

Phòng ngừa viêm khớp tự miễn : viêm khớp tự miễn gây nhiều biến chứng nguy hiểm, việc điều trị gặp nhiều khó khăn và phức tạp nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời, do đó việc phòng ngừa bệnh là giải pháp tối ưu. Ba cách phòng ngừa bệnh tự miễn đơn giản và hiệu quả gồm:

- Tập luyện thể dục thể thao thường xuyên, việc tập luyện thể dục thể thao đều độ giúp tăng cường sức khỏe, tăng sự dẻo dai và linh hoạt của hệ thống cơ xương khớp, phòng ngừa nhiều bệnh lý xương khớp khác. Khuyến cáo nên tập thể dục thể thao khoảng 30 - 60 phút mỗi ngày, có thể tập những môn như đi bộ, yoga, bơi lội, đạp xe.

- Áp dụng chế độ dinh dưỡng khoa học, cần chú trọng đến chế độ ăn uống hàng ngày đảm bảo cung cấp đầy đủ chất dinh dưỡng và các khoáng chất cần thiết cho cơ thể. - Thăm khám ngay khi có các triệu chứng bất thường. Việc khám và điều trị bệnh ngay từ giai đoạn đầu giúp phát huy được hiệu quả tối đa, đồng thời giảm thiểu được gánh nặng chi phí dành cho điều trị phức tạp nếu bệnh ở giai đoạn muộn.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY .


Cấp cứu 24/7

19000115

Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn