loading

19003301

Hotline

19000115

Cấp cứu 24/7

Nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ

14:11 20/05/2020

Viêm phổi là bệnh thường gặp và là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong ở trẻ nếu không được phát hiện sớm và điều trị kịp thời. Hãy cùng tham khảo cách nhận biết sớm bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ để có thể phát hiện kịp thời và có hướng chăm sóc trẻ đúng cách.

1. Viêm phổi là gì?

Viêm phổi là tình trạng nhiễm trùng bên trong phổi, xuất hiện khi vi khuẩn hay virus mắc kẹt trong cơ quan này, chúng sinh sôi nảy nở và tạo ra những ổ nhiễm trùng. Vi khuẩn thường gặp nhất là phế cầu khuẩn, và một số loại virus khác cũng gây nên bệnh này.

Bệnh có thể xuất hiện khi trẻ đang bị một đợt ho hoặc cảm cúm. Lúc này dịch nhầy tiết ra trong phổi trở thành nguồn dinh dưỡng béo bở cho vi trùng. Sau khoảng vài ngày, vi khuẩn và virus có thể nhanh chóng sinh sôi nảy nở, tạo nên những túi phế nang chứa mủ và chất nhầy bị nhiễm khuẩn. Ho chính là phản xạ tự vệ rất quan trọng của cơ thể, giúp đẩy chất nhầy ra khỏi túi phế nang trước khi nhiễm trùng đặt chân được vào đây.

Nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ

Viêm phổi là căn bệnh nếu không được phát hiện sớm và chữa trị kịp thời có thể là nguyên nhân gây tử vong cao ở trẻ dưới 5 tuổi.

2. Nguyên nhân và triệu chứng viêm phổi ở trẻ

Có rất nhiều nguyên nhân gây ra bệnh viêm phổi, trong đó thường gặp là: viêm phổi thể do vi khuẩn, virus, nấm, hóa chất...

Trẻ trên 5 tuổi thường gặp viêm phổi do các loại vi khuẩn không điển hình như: Mycoplasma Pneumonia, Chlamydia Pneumoniae, phế cầu, các loại siêu vi hô hấp.

Trẻ dưới 5 tuổi thường gặp viêm phổi do vi khuẩn: phế cầu, tụ cầu vàng, liên cầu pyogenes, HiB. HiB trước đây là một tác nhân quan trọng gây ra viêm phổi ở trẻ, nhưng sau này do có chương trình tiêm ngừa nên tác nhân này hiện không đáng kể.

Trẻ dưới 2 tháng tuổi thì ngoài các vi khuẩn như của trẻ dưới 5 tuổi còn có thể gặp một số vi khuẩn đường ruột như: E.Coli, Proteus...do mẹ truyền qua.

Hay gặp ở trẻ dưới 1 tuổi, đẻ non, trẻ có sức đề kháng kém, suy dinh dưỡng, trẻ em ở các nước nghèo, điều kiện kinh tế, vệ sinh, chăm sóc y tế kém. Trẻ thường xuyên hít phải khói thuốc lá ở người lớn. Tuổi đi học mẫu giáo hay nhà trẻ, nơi đông người...là những đối tượng trẻ có tỷ lệ mắc viêm phổi cao.

Triệu chứng viêm phổi

Khi thấy trẻ có các triệu chứng viêm phổi dưới đây các phụ huynh nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế để có hướng điều trị kịp thời.

  • Ho, sốt, thở nhanh hay thở gắng sức là triệu chứng quan trọng nhất của bệnh viêm phổi
  • Ho vừa đến nặng, thường là ho nặng tiếng, nhưng cũng không nhất thiết như vậy.
  • Thở nhanh liên tục ( khác với biểu hiện thở nhanh nhất thời khi trẻ bị sốt cao).
  • Trẻ được coi là thở nhanh nếu thở trên 60 lần/phút ( đối với trẻ dưới 2 tháng tuổi), trên 50 lần/phút ( đối với trẻ từ 2 tháng- 1 tuổi) hoặc trên 40 lần/phút ( với trẻ trên 1 tuổi).
  • Đếm nhịp thở khi trẻ đang nằm yên và không hoạt động gắng sức. Dùng đồng hồ có kim giây để đếm trong vòng 1 phút.
  • Thở gắng sức: cánh mũi phập phồng, thở rên, co kéo cơ liên sườn( vị trí phần mềm giữa các xương sườn lõm vào khi trẻ hít vào), co rút hõm ức, rút lõm lồng ngực.
  • Thở nhanh và thở gắng sức là phản ứng bù trừ nhưng cơ thể trẻ không thể cố gắng mãi. Nếu không điều trị kịp thời, trẻ có thể bị suy hô hấp, kiệt sức, nhịp thở chậm lại rồi ngưng thở.
  • Sốt vừa đến sốt cao nhưng đôi khi không có ở trẻ có hệ miễn dịch yếu
  • Đau ngực trong lúc ho và cả giữa các cơn ho.
  • Nôn không chỉ sau những cơn ho mạnh mà cả giữa các cơn ho.
  • Tím tái quanh môi và ở mặt do trẻ bị thiếu oxy.
  • Thở rít, mặc dù thở rít thường là biểu hiện của nhiễm virus nhiều hơn nhưng đôi khi đây cũng là biểu hiện của viêm phổi.

Nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ

>>>Tham khảo: Phòng chữa bệnh viêm phổi hiệu quả

Nếu trẻ có một vài trong các triệu chứng trên thì nhiều khả năng trẻ đã bị viêm phổi. Quan trọng nhất là ba triệu chứng ho, sốt và thở nhanh hay thở gắng sức.

3. Điều trị viêm phổi

Nếu thấy trẻ có các triệu chứng như trên cha mẹ nên đưa con đến khám tại các cơ sở y tế, chụp X-quang, xét nghiệm máu và điều trị kháng sinh kịp thời. Tuyệt đối cha mẹ không tự ý điều trị kháng sinh tại nhà. Ho là phản xạ tốt để tống xuất chất đờm ra khỏi đường thở, làm thông thoáng đường thở nên cha mẹ không cho trẻ uống thuốc giảm ho khi chưa có chỉ định của bác sĩ.

Nhận biết bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ

Một số cách chăm sóc trẻ bị viêm phổi cha mẹ có thể làm giúp trẻ nhanh khỏi bệnh như sau:

Hạ sốt cho trẻ: Chườm ấm tích cực ( nhiệt độ nước chườm được xác định bằng cách nhúng cùi chỏ của người lớn vào chậu nước, nếu thấy nước ấm là được). Nếu trẻ sốt trên 38,5 độ C, có thể cho trẻ uống thuốc hạ sốt theo chỉ định của bác sĩ. Tăng cường uống nước để giảm sốt và làm loãng đờm.

Vỗ lưng và giúp trẻ bài tiết đờm hiệu quả: Phương pháp vỗ lưng cho trẻ khi trẻ bị ho có đờm sẽ giúp lưu thông tuần hoàn máu của phổi, giúp đờm trong phế quản long ra và thải ra ngoài dễ dàng. Cha mẹ thực hiện vỗ lưng tốt nhất là trước bữa ăn hoặc sớm nhất là 1 giờ sau khi ăn để tránh gây nôn, bằng cách gập bàn tay ở chỗ cổ tay rồi khum bàn tay lại. Giữ cho ngón cái ép vào ngón trỏ. Vỗ bên trái rồi sang bên phải, làm khoảng 3-5 phút ở mỗi khu vực. Chú ý không được vỗ vào vùng dạ dày, xương ức hay xương sống.

Hướng dẫn trẻ ho: Ho sẽ làm thông thoáng đường thở, đẩy chất xuất tiết ra khỏi phổi. Với trẻ lớn, yêu cầu trẻ ho sau khi được vỗ ở từng khu vực. Khi trẻ chưa ngừng cơn ho thì chưa được vỗ tiếp.

Cha mẹ nên trang bị đủ kiến thức về cách nhận biết sớm bệnh viêm phổi ở trẻ nhỏ để có hướng chăm sóc và điều trị kịp thời tránh điều đáng tiếc xảy ra. Và khi thấy trẻ có những triệu chứng nêu trên, khó thở hay thở nhanh cần đưa trẻ đến ngay cơ sở y tế uy tín để các bác sĩ điều trị kịp thời cho trẻ. Các bác sĩ tại bệnh viện Đa khoa Thanh Vũ Medic Bạc Liêu luôn tư vấn cho các bà mẹ sau khi sinh nên cho bé đi tiêm các vacxin phòng bệnh đặc biệt đối với những bệnh truyền nhiễm trẻ nhỏ dễ mắc phải như viêm phổi, sởi, cúm,....để bảo vệ sức khỏe và đảm bảo sự phát triển toàn diện cho trẻ.

Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY


Cấp cứu 24/7

19000115

Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn