Bệnh lý nền được xem là một trong những nguyên nhân chính gây tử vong cho những người nhiễm virus SARS-CoV-2 . Theo các chuyên gia, tỷ lệ tử vong do Covid-19 của người mắc bệnh lý nền sẽ cao hơn người bình thường 12 lần. Tham khảo ngay top bệnh lý nền và nguy cơ gây triệu chứng nặng khi nhiễm Covid-19 .
Một số đối tượng có nguy cơ triệu chứng bệnh trở nặng hoặc gặp nguy hiểm hơn khi nhiễm SARS-CoV-2 có thể kể đến như: người lớn tuổi, người ở mọi lứa tuổi nhưng có các bệnh lý nền (bệnh tim, bệnh phổi mạn tính, suy giảm miễn dịch, béo phì, đái tháo đường...). Điều này cũng được thấy với người mắc các bệnh hô hấp thường gặp khác như cúm.
Lớn tuổi
Nguy cơ tăng triệu chứng nguy hiểm do Covid-19 cao dần theo độ tuổi, phổ biến nhất ở người trung niên và người lớn tuổi, đặc biệt là trên 85 tuổi. Ở Mỹ, theo thống kê của CDC, khoảng 80% ca tử vong do Covid-19 xảy ra ở người trên 65 tuổi.
Người lớn tuổi thường có đa bệnh lý nền, hệ miễn dịch yếu, chức năng phổi yếu. Chính những nguyên nhân trên làm cho người cao tuổi dễ bị nhiễm trùng, hạn chế khả năng thông khí. Nếu có thêm bệnh viêm phổi cấp SARS-COV-2 tác động nữa thì tình trạng suy hô hấp sẽ rất dễ phát triển.
Người cao tuổi cần được khám sức khỏe định kỳ để nhận lời khuyên và tư vấn của bác sĩ ngay nếu thấy có vấn đề bất thường về sức khỏe.
Ngoài ra, trong giai đoạn Covid-19 diễn biến phức tạp, người lớn tuổi khi cảm thấy không khỏe nên hạn chế đến khám tại cơ sở y tế, thay vào đó, có thể lựa chọn dịch vụ Bác sĩ đến nhà hoặc Khám bệnh từ xa theo các thông tư của Bộ Y tế.
Bệnh phổi
Covid-19 gây ra bệnh viêm đường hô hấp cấp, chính vì thế virus Corona thường có những tác động trực tiếp đến phổi. Nghiêm trọng hơn khi sẽ gây các triệu chứng nặng đối với các đối tượng mắc bệnh phổi mạn tính như: bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính (COPD), ung thư phổi. Bên cạnh đó, một vài bệnh liên quan đến phổi khác cũng có thể làm tăng nguy cơ mắc bệnh nặng do Covid-19 bao gồm: bệnh xơ nang, xơ phổi, hen từ mức độ trung bình đến nặng.
Đáng lưu ý, nếu như các bệnh lý nền về phổi trên là nguyên nhân trực tiếp làm cho bệnh tình trở nên nặng hơn, thì khói thuốc lá là tác nhân gây ảnh hưởng đến hoạt động của phổi. Cụ thể, khói thuốc lá có thể gây hại cho phổi, ức chế hệ miễn dịch và làm tăng nguy cơ biến chứng nghiêm trọng với Covid-19. Do vậy, bỏ thuốc lá là thói quen cần nghiêm túc thực thiện để giảm thiểu nguy hại đến sức khỏe bản thân và mọi người.
Trong giai đoạn Covid-19 tái bùng phát này, bệnh nhân có bệnh lý nền cần tiếp tục duy trì điều trị bằng thuốc để kiểm soát các triệu chứng một cách tốt nhất. Đặc biệt, cần thường xuyên được bác sĩ tư vấn và thăm khám nhằm có những lời khuyên bảo vệ sức khỏe đúng cách trong giai đoạn dịch hiện nay.
Bệnh tim, đái tháo đường và béo phì
Trong số những người có tình trạng bệnh lý mạn tính, những bệnh sau đây sẽ càng làm cho tình trạng bệnh thêm nặng, nguy hiểm nếu bệnh nhân nhiễm Covid-19. Đó là đái tháo đường, béo phì nặng, bệnh tim mạch. Và số người có bệnh nền này cũng chiếm một phần không nhỏ trong tổng số người mắc Covid-19 trên thế giới. Cụ thể, theo CDC Hoa Kỳ, 73% bệnh nhân lớn tuổi nhập viện vì Covid-19 có bệnh lý nền tăng huyết áp, khoảng một phần ba bị tiểu đường và hơn một nửa có bệnh tim mạch.
Béo phì và đái tháo đường sẽ làm suy giảm hệ thống miễn dịch. Đồng thời, đái tháo đường làm tăng nguy cơ nhiễm trùng nói chung, trong đó có nguy cơ nhiễm trùng do Covid-19. Vì thế, bệnh nhân cần tiếp tục dùng thuốc điều trị đái tháo đường để giữ ổn định mức đường huyết.
Bệnh lý nền tim mạch như bệnh cơ tim, tăng áp phổi, bệnh tim bẩm sinh, suy tim hoặc bệnh động mạch vành có thể làm cho tình trạng bệnh do nhiễm Covid-19 phát triển rất nhanh. Bệnh nhân cần uống thuốc đúng liều lượng và định kì theo toa bác sĩ để kiểm soát huyết áp ổn định.
Suy giảm miễn dịch
Bên cạnh các bệnh lý nền, suy giảm hệ miễn dịch cũng là một trong những tác nhân lớn tác động đến tình trạng bệnh do nhiễm Covid-19, có thể kể đến như: ghép tạng, điều trị ung thư, ghép tủy, HIV/AIDS, sử dụng Corticoid kéo dài hay các thuốc tương tự.
Một hệ miễn dịch khỏe mạnh sẽ giúp chống lại tác nhân gây bệnh. Chính vì thế, khi nằm trong nhóm đối tượng trên, hãy liên hệ ngay với các bác sĩ để thực hiện các biện pháp phòng ngừa, tư vấn tăng cường sức đề kháng, bảo vệ sức khỏe trước nguy cơ tấn công của Covid-19.
Bệnh gan mạn tính hoặc thận mạn tính
Bệnh gan mạn tính và bệnh thận mạn tính là 2 trong số các bệnh lý nền có nguy cơ cao bị bệnh nặng nếu nhiễm Covid-19. Cả hai bệnh này đều làm suy giảm hệ miễn dịch.
Người mắc thận mạn tính cần chạy thận định kỳ theo lịch. Đồng thời cần cẩn trọng, vì họ có thể bị suy giảm miễn dịch nếu bị bệnh thận mạn và đang lọc máu. Người có bệnh gan mạn tính hãy dùng thuốc để điều trị bệnh theo hướng dẫn của bác sĩ nhằm tránh những tác động xấu đến gan.
Ngoài các biện pháp phòng ngừa hàng ngày, nếu bạn hoặc người thân trong gia đình thuộc nhóm có nguy cơ bị nhiễm trùng cao hơn hoặc phát triển các triệu chứng Covid-19 nặng, nghiêm trọng thì cần lưu ý các điều sau:
- Quan trọng nhất là cần phải kiểm soát các bệnh lý nền, tình trạng bệnh mạn tính của mình.
- Hãy chuẩn bị và luôn mang theo các loại thuốc bệnh mạn tính bên người, ít nhất đủ dùng cho 30 ngày.
- Hãy đảm bảo rằng đã chích ngừa đầy đủ các bệnh cúm và viêm phổi để hạn chế tình trạng xấu đi trong trường hợp nhiễm Covid-19.
- Trao đổi về tình trạng sức khỏe và về các bệnh lý nền của mình thường xuyên hơn với bác sĩ, liên hệ ngay khi cảm thấy có dấu hiệu bất thường.
- Hạn chế tiếp xúc nơi đông người, giữ khoảng cách 2m ở những khu vực tập trung.
Hy vọng nhưng thông tin trên đây sẽ thực sự hữu ích đối với mọi người. Chúc mọi người giữ gìn sức khỏe thật tốt.
Để đặt lịch khám tại viện, Quý khách vui lòng đăng ký qua HOTLINE hoặc đặt lịch trực tiếp TẠI ĐÂY