loading

19003301

Hotline

19000115

Cấp cứu 24/7

Ung thư cổ tử cung - Bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt Nam

13:04 13/06/2018

Ung thư cổ tử cung là loại ung thư thường gặp nhất ở phụ nữ Việt Nam. Chúng ta hoàn toàn có thể phát hiện loại ung thư này từ khi chúng mới xuất hiện, chưa có triệu chứng, thậm chí có thể phòng ngừa căn bệnh này nữa. Tuy nhiên, do thiếu hiểu biết nên căn bệnh này vẫn là mối đe dọa cho phụ nữ Việt Nam.

Cổ tử cung là gì?

Nhiều người hay lầm tưởng với âm hộ. Âm hộ là cơ quan sinh dục bênh ngoài của nữ giới, chúng ta có thể thấy được âm hộ. Tử cung là cơ quan sinh dục bên trong của nữ giới, chúng ta không thể thấy được tử cung vì tử cung nằm trong ổ bụng, ở phía dưới rốn. Cổ tử cung là một phần của tử cung, tiếp giáp với âm đạo và thông thương ra ngoài.

Ung thư cổ tử cung - Bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt Nam

Khi khám bệnh, bác sĩ có thể sờ thấy cổ tử cung bằng cách dùng ngón tay có đeo găng, đưa sâu vào âm đạo. Bác sĩ cũng có thể nhìn thấy cổ tử cung bằng một dụng cụ đặc biệt gọi là mỏ vịt, đưa vào âm đạo rồi banh rộng ra, khi rọi đèn vào, có thể quan sát cổ tử cung bằng mắt thường một cách dễ dàng.

Triệu chứng của ung thư cổ tử cung

- Triệu chứng thường gặp của ung thư cổ tử cung là xuất huyết âm đạo bất thường.

- Khối ung thư cổ tử cung có thể là một vết loét hoặc cũng có thể là một khối u sùi, khi lớn lên rất hay chảy máu. Máu chảy từ tử cung theo âm đạo ra ngoài, y khoa gọi là xuất huyết âm đạo bất thường để phân biệt với xuất huyết âm đạo bình thường là hiện tượng kinh nguyệt.

- Nếu phụ nữ còn kinh, máu chảy từ khối u dễ lầm với kinh nguyệt. tuy nhiên nếu để ý sẽ thấy xuất huyết âm đạo xuất hiện không đúng ngày có kinh, thường xảy ra sau giao hợp (do hành động giao hợp làm tổn thương khối bướu).

- Một phụ nữ mãn kinh, nay xuất huyết âm đạo sẽ được xem là xuất huyết âm đạo bất thường và phải nhanh chóng đi khám, không thể xem là có kinh lại như nhiều người lầm tưởng.

Ung thư cổ tử cung - Bệnh ung thư thường gặp ở phụ nữ Việt Nam

- Khối u ung thư cổ tử cung gây đau. Khối u ung thư cổ tử cung khi lớn hơn sẽ chèn ép cơ quan vùng chậu gây đau. Đau bụng âm ỉ vùng dưới rốn, có khi đau xảy ra sau giao hợp.

- Như vậy, nếu phụ nữ ở tuổi trên 40 , có triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường hoặc đau bụng vùng dưới rốn thì phải nhanh chóng đến bác sĩ chuyên khoa sản phụ hoặc bác sĩ chuyên khoa ung bướu.

Chẩn đoán ung thư cổ tử cung

Khi bệnh nhân có triệu chứng nghi ngờ ung thư cổ tử cung, bác sĩ sẽ tiến hành lần lượt các bước sau:

- Khám vùng chậu để có thể sờ thấy khối u và đánh giá độ lớn của khối u, mức độ xâm lấn đến cơ quan xung quanh như trực tràng, âm đạo, bàng quang.

- Khám cổ tử cung bằng mỏ vịt : khi thấy bướu, bác sĩ sẽ dùng một kềm bấm sinh thiết để lấy một miếng bướu nhỏ cỡ hạt bắp. Khối này gọi là bệnh phẩm sinh thiết, sẽ được gởi đến phòng xét nghiệm.

Kết quả giải phẫu bệnh sẽ xác định chắc chắn người bệnh bị bệnh ung thư cổ tử cung, tuy nhiên chẩn đoán còn được tiếp tục để xác định chính xác giai đoạn của người bệnh.

- Siêu âm bụng sẽ biết được có di căn đến hạch nằm trong bụng hay không?

- Chụp CT scan vùng bụng - chậu để biết được khối bướu lớn bao nhiêu? Có di căn đến các hạch trong bụng hay không?

- Soi bàng quang và soi trực tràng.

Điều trị ung thư cổ tử cung.

Phẫu thuật, xạ trị, điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc) là ba phương pháp điều trị chủ yếu. thật may mắn là hầu hết các trường hợp ung thư cổ tử cung có diễn tiến chậm chạp, một phần vì cổ tử cung thông thương bên ngoài qua âm đạo nên triệu chứng xuất huyết âm đạo bất thường được phát hiện sớm.

1. Phẫu thuật

- Phẫu thuât ung thư cổ tử cung là một phẫu thuật lớn, gồm cắt toàn bộ tử cung và vùng quanh tử cung (y khoa gọi là chu cung) sau đó nạo vét toàn bộ hạch chậu hai bên.

- Đối với giai đoạn sớm, phẫu thuật nhẹ nhàng hơn, chỉ cần cắt cổ tử cung là đủ.

- Đối với giai đoạn trễ, bướu xâm lấn toàn bộ vùng chậu, phẫu thuật để cứu bệnh nhân là phẫu thuật đoạn chậu. Phẫu thuật đoạn chậu là phẫu thuật rất lớn và rất khó. Cắt toàn bộ tử cung, cắt bàng quang, cắt bỏ trực tràng. Sau phẫu thuật, bệnh nhân sẽ phải đi tiểu qua một bọc hứng nước tiểu từ niệu quản, và đi cầu cũng qua một túi hứng phân từ ruột gọi là hậu môn nhân tạo.

2. Xạ trị

Có thể áp dụng xạ trị ngoài: chiếu tia phóng xạ vào vùng chậu, bao trùm cả khối bướu lẫn vùng có hạch chậu làm hủy diệt các tế bào ung thư hoặc xạ trị trong: chất phóng xạ được đặt vào trong các ống, rồi đẩy sâu vào trong âm đạo. Chất phóng xạ phát ra các tia phóng xạ làm hủy diệt các tế bào ung thư.

3. Điều trị nội khoa (điều trị bằng thuốc)

- Hóa trị: các thuốc hóa trị được đưa vào cơ thể qua đường truyền tĩnh mạch, thuốc này diệt các tế bào trong lúc phân chia. Các tế bào ung thư phân chia nhanh hơn tế bào bình thường nên sẽ bị thuốc hóa trị tiêu diệt.

- Thuốc chống sinh mạch: Bevacizumab (avastin) là thuốc chống lại sự phát triển các mạch máu quanh khối bướu, không có mạch máu nuôi, khối bướu sẽ kém phát triển hoặc nhỏ đi.

Có thể phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn rất sớm hay không?

- Câu trả lời là có, phương pháp phát hiện cũng rất đơn giản. Phát hiện ung thư từ lúc chưa có triệu chứng được gọi là tầm soát ung thư. Từ những năm 1950, các nước phương tây đã có chương trình tầm soát ung thư cổ tử cung bằng Pap test, giúp phát hiện ung thư cổ tử cung từ giai đoạn rất sớm và làm giảm tỷ lệ tử vong đối với loại bệnh này.

- Bác sĩ sẽ dùng mỏ vịt để có thể dễ dàng quan sát cổ tử cung bằng mắt thường. Sau đó dùng que có gắn bông gòn hoặc bàn chải ở đầu hoặc có khi que gỗ xoay nhẹ ở cổ tử cung với mục đích là làm tróc các tế bào ở cổ tử cung. Chất dịch ở đầu que có chứa các tế bào sẽ được phết trên một tấm kính mỏng và được gởi đến phòng xét nghiệm. Tại đây, bác sĩ sẽ quan sát dưới kính hiển vi để tìm các tế bào bất thường.

- Ung thư cổ tử cung có diễn tiến rất chậm chạp, khởi đầu các tế bào biểu mô của cổ tử cung trở nên bất thường gọi là tế bào loạn sản. Các tế bào loạn sản này chưa phải là tế bào ung thư nhưng có tiềm năng hóa thành tế bào ung thư. Sau một thời gian dài, các tế bào loạn sản này nếu gặp điều kiện thích hợp và không bị cơ thể loại trừ sẽ dần dần trở thành tế bào ung thư.

- Pap test có thể phát hiện được các tế bào loạn sản này.

- Chất dịch lấy ra từ Pap test cũng có thể được xét nghiệm tìm virus HPV, một loại virus có tiềm năng gây ung thư cổ tử cung.

- Tất cả phụ nữ hơn 21 tuổi đã lập gia đình nên làm test này. Nếu làm Pap test lần đầu không thấy tế bào bất thường thì bệnh nhân sẽ được làm lại lần hai sau 2 năm.

Làm gì để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung?

- Nhiễm loại virus mang tên HPV (Human Papillomavirus) type 16 hoặc 18 làm tăng nguy cơ ung thư cổ tử cung. Những phụ nữ bị nhiễm HPV mà lại có thêm các yếu tố: Sinh nhiều con, dùng thuốc ngừa thai kéo dài, hút thuốc lá,… thì nguy cơ ung thư càng nhiều hơn.

- HPV lây nhiễm từ người này sang người khác qua hoạt động tình dục. Do vậy, để tránh nhiễm HPV cần thực hiện tình dục an toàn, chích ngừa HPV: Hiện có nhiều loại vắc xin được khoa học chấp nhận để ngăn ngừa nhiễm HPV.

- Ngăn ngừa nhiễm HPV là biện pháp tốt nhất để ngăn ngừa ung thư cổ tử cung.

Nguồn: Báo Thuốc và Sức Khỏe số 568


Cấp cứu 24/7

19000115

Chăm sóc khách hàng

19003301

Lịch Khám Đặt lịch hẹn